Trả lời:
Sụp mí mắt đơn thuần có thể do thiếu ngủ hoặc mỏi cơ sau thời gian dài làm việc với máy tính. Nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên, có tính chất dao động trong ngày, đi kèm nhìn đôi, khó nuốt, tay chân bủn rủn, rất có thể là triệu chứng của bệnh nhược cơ.
Nhược cơ hay yếu cơ (Myasthenia Gravis) là bệnh tự miễn, xuất hiện do hệ thống miễn dịch tấn công chính nó, làm gián đoạn kết nối giữa dây thần kinh và cơ. Các kháng thể trong máu ngăn chặn hoặc phá hủy nhầm các tế bào thụ thể cơ, giảm số sợi cơ gây co cơ. Bệnh thường biểu hiện ở mắt (sụp mi, nhìn đôi), tiếp đến là các triệu chứng toàn thân như yếu tay chân, khó nuốt, nói khó. Ở giai đoạn nặng, bệnh gây liệt các cơ hô hấp khiến người bệnh không thở được, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát theo từng giai đoạn. Dấu hiệu thường xuất hiện vào cuối ngày hoặc sau khi vận động nhiều, giảm khi nghỉ ngơi. Các cơ thường bị ảnh hưởng một bên, không đối xứng. Nhược cơ thường xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi và nam trên 60 tuổi, ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để khám. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện đo điện cơ (EMG), huyết thanh tìm kháng thể kháng AChR, MuSK, LPR4. Bạn cũng có thể được chỉ định chụp CT hoặc MRI ngực nhằm phát hiện các hình ảnh bất thường của tuyến ức, từ đó điều trị sớm.
Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng, tốc độ tiến triển của bệnh, bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Điều trị nội khoa bao gồm dùng thuốc ức chế acetylcholinesterase, làm tăng lượng acetylcholine (ACh) có sẵn tại các khớp thần kinh cơ, thuốc ức chế miễn dịch nhằm điều hòa rối loạn miễn dịch. Thay huyết tương, lọc máu để loại bỏ trực tiếp các tự kháng thể kháng acetylcholin trong máu của người bệnh. Người bệnh nhược cơ có u tuyến ức được phẫu thuật cắt bỏ khối u nhằm làm giảm triệu chứng bệnh.

Bác sĩ đo điện cơ (EMG) cho người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Người mắc bệnh nhược cơ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, nhất là rau xanh và trái cây chứa nhiều kali như chuối, đu đủ giúp các cơ hoạt động tốt hơn. Bạn nên tập luyện thường xuyên để rèn luyện thể chất nhằm phát triển sức khỏe của các cơ, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và lo âu quá mức trong thời gian dài.
ThS.BS Quãng Thành Ngân
Đơn vị Thần kinh
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |