Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, hệ bạch huyết là một phần thiết yếu của hệ thống miễn dịch, được tạo thành từ mạng lưới các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết. Chúng giống như mạch máu, nhưng thay vì máu, chúng chứa chất trong suốt như nước gọi là dịch bạch huyết.
Các hạch bạch huyết hoạt động như bộ lọc dịch bạch huyết, mang chất thải, chất lạ và tế bào miễn dịch đi khắp cơ thể. Hệ thống bạch huyết giúp loại bỏ độc tố qua dịch bạch huyết. Chúng cũng có khả năng phát hiện và chống lại nhiễm trùng, bệnh tật, gồm ung thư vú.
Các hạch bạch huyết bị sưng có thể là dấu hiệu ung thư vú đã lan đến các hạch đó. Khi các tế bào ung thư tách ra khỏi khối u ở vú, chúng di chuyển đến các hạch bạch huyết gần đó thông qua hệ thống bạch huyết. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp hạch bạch huyết sưng đều do ung thư. Chúng có thể sưng to hơn do nhiễm trùng, chấn thương thể chất hoặc các tình trạng y tế khác.
Triệu chứng hạch bạch huyết như nổi hạch sưng, đau và dễ di chuyển dưới da thường là nhiễm trùng, không phải ung thư di căn. Hạch cứng, không đau, bất động có nhiều khả năng là dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan rộng.
Khi điều trị ung thư vú, cắt bỏ các hạch bạch huyết ở nách và dưới cánh tay, dịch bạch huyết có thể tích tụ ở vùng chi trên bị ảnh hưởng, gây sưng tấy toàn thân gọi là phù bạch huyết. Hầu hết mọi người bị phù bạch huyết sau khi phẫu thuật cắt bỏ ngực hoặc khối u vú 12-30 tháng.
Ngoài ra, theo nghiên cứu công bố năm 2022 của Trường Đại học Maastricht (Hà Lan), vaccine ngừa Covid-19 có thể làm sưng hạch bạch huyết tạm thời. Một số trường hợp cảm lạnh hoặc cúm cũng gây ra tình trạng này.
Người bệnh nên đi khám và sàng lọc ung thư vú nếu hạch bạch huyết sưng và có dấu hiệu như có khối u ở vùng gần ngực, nách hay xương đòn mà không biến mất sau vài tuần; đau ngực hoặc đau ở các hạch bạch huyết.
Bác sĩ có thể sinh thiết hạch bị sưng để kiểm tra tế bào ung thư. Kết quả sinh thiết cung cấp cho thấy tình trạng hạch bạch huyết sưng và bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu vết sưng do ung thư vú lan rộng, phẫu thuật thường được áp dụng để loại bỏ các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hóa xạ trị, liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch, thuốc nhắm mục tiêu cũng được sử dụng tùy vào tình trạng bệnh.
Nếu sưng tấy do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác. Thuốc giảm đau không kê đơn và chườm ấm giúp giảm đau và sưng hạch bạch huyết không phải do ung thư.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |