Đau họng liên quan đến các bệnh ngắn hạn như dị ứng, viêm xoang, cảm lạnh, viêm amidan, các chất kích thích; có thể tự khỏi trong 7-10 ngày. Một số phương pháp tự nhiên có thể cải thiện đau họng nhẹ, trong đó có súc miệng bằng nước muối.
Nước muối có tác dụng kiềm hóa, làm tăng độ pH trong miệng. Súc miệng bằng dung dịch muối làm giảm lượng vi khuẩn và virus trong miệng, từ đó giảm đau và các triệu chứng liên quan khác như đờm nhầy, sưng tấy vùng họng. Người bị đau họng do cảm cúm, cảm lạnh hoặc Covid-19 cũng có thể súc họng bằng nước muối để sớm khỏi bệnh.
Phương pháp này còn thúc đẩy các tế bào chữa lành niêm mạc miệng, nhanh lành vết thương, tốt cho nướu và răng. Những lợi ích khác như hỗ trợ kiểm soát nhiễm trùng gây đau răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, lở loét miệng, bệnh tưa miệng, sâu răng...
Người bệnh nên dùng nước muối sinh lý 0,9% pha sẵn có bán tại nhà thuốc để đảm bảo nồng độ natri vừa đủ phát huy tác dụng. Nếu dùng nước muối tự pha để súc họng, không pha quá đặc vì dễ gây kích ứng niêm mạc họng. Để tự pha nước muối đúng cách, chuẩn bị khoảng 230 ml nước ấm, một thìa cà phê muối, hai muỗng baking soda (nếu có). Pha hỗn hợp với nhau cho đến khi muối tan hoàn toàn, sử dụng dung dịch muối.
Súc họng bằng nước muối ít nhất hai lần mỗi ngày khi vừa ngủ dậy và chuẩn bị đi ngủ. Không súc miệng bằng nước muối quá ba lần một ngày để tránh hại men răng.
Uống một lượng nước muối vừa đủ, ngửa cổ cho nước muối đi sâu xuống họng. Giữ ít nhất 30 giây và khò liên tục, nhổ bỏ và lặp lại đến khi hết dung dịch. Không nên súc lại bằng nước sau khi nhổ nước muối.
Phương pháp này không áp dụng cho trẻ nhỏ và người không thể nhổ dung dịch ra ngoài (chức năng nuốt kém dễ bị nghẹn hoặc hít chất lỏng).
Để giảm đau họng nhanh hơn, người bệnh cũng có thể uống nhiều nước, chườm ấm ở cổ, dùng máy tạo độ ẩm, uống nước gừng hoặc nghệ pha với mật ong để tăng sức đề kháng.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để được bác sĩ giải đáp |