Chị Ngọc Minh, 41 tuổi (quận 2, TP HCM) đi khám phụ khoa ở một bệnh viện tại TP HCM cách đây 6 năm. Khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, chị phát hiện nhiễm virus HPV chủng 16, 18 nguy cơ cao gây ung thư. Bác sĩ soi và sinh thiết cổ tử cung cho chị chẩn đoán bệnh là tiền ung thư cổ tử cung độ 3 (CIN3). Chị Minh thực hiện khoét chóp cổ tử cung cùng lúc.
Sau phẫu thuật, bác sĩ yêu cầu người bệnh tái khám 3 tháng để đánh giá lại tình trạng bệnh và lên kế hoạch điều trị tiếp. Tuy nhiên, vì bận việc gia đình người bệnh quên lịch tái khám sau khoét chóp. Năm 2020 Covid-19 bùng phát, bản thân tập trung chữa bệnh tiền đình, chị quên hẳn việc khám phụ khoa sau đó. Cuối năm 2022, chị Minh đến BVĐK Tâm Anh TP HCM kiểm tra sức khỏe tổng quát, phát hiện nhiễm virus HPV 18.
Bệnh nhân được soi cổ tử cung và sinh thiết phát hiện ung thư cổ tử cung tại chỗ, phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung lần 2, kết quả giải phẫu xác định ung thư biểu mô gai cổ tử cung tại chỗ. Vì đã sinh đủ con, người bệnh được phẫu thuật cắt tử cung toàn phần và chừa lại 2 buồng trứng nhằm hạn chế ung thư tái phát.
Việc đầu tiên sau khi trở về nhà, chị Minh đưa 2 con gái 9 và 12 tuổi đi tiêm phòng vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung tại VNVC quận 2. "Tôi đã mắc bệnh, không thể chủ quan sức khỏe các con", chị nói.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra quá trình phụ nữ nhiễm virus HPV diễn tiến ung thư có thể mất 10-20 năm. Tuy nhiên, trường hợp cá biệt chỉ cần nhiễm HPV 3-5 năm thậm chí 1-2 năm đã phát triển thành ung thư. Trường hợp chị Ngọc Minh là một ví dụ.
Theo nghiên cứu của Cancer Treatment Centers of America (Trung tâm điều trị ung thư Mỹ), ung thư cổ tử cung có thể tái phát sau vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị. Tổ chức này thống kê, có gần 35% trường hợp bị tái phát ung thư cổ tử cung hoặc mắc bệnh dai dẳng. Hầu hết ca tái phát đều xảy ra trong vòng 2 năm sau khi điều trị.
Hiện chưa có thuốc điều trị virus HPV, trong khi 99% người ung thư cổ tử cung do nhiễm virus này. Các phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng, kìm hãm quá trình phát triển của virus, không loại bỏ virus triệt để. Do đó, khi virus HPV xâm nhập, cơ thể tự sẽ sinh ra miễn dịch để chống đỡ. Những ai có miễn dịch khỏe mới có thể tiêu diệt hoàn toàn virus. Các trường hợp còn lại, virus vẫn có thể lẩn tránh được hệ miễn dịch trong cơ thể khi tăng sinh quá mức, gặp điều kiện thuận lợi là bùng trở lại, theo thời gian tạo thành các sang thương tiền ung thư và ung thư.
Ngoài ra, nhiều loại u khác trong cơ thể có thể tái phát do vùng nhỏ tế bào gây bệnh còn sót lại sau phẫu thuật. Bác sĩ Mỹ Nhi lý giải, trường hợp chị Minh tái phát không loại trừ khả năng dù đã khoét chóp vẫn còn sót lại sang thương tiền ung thư độ 3. Theo thời gian, chúng nhân lên, phát triển thành ung thư. Tùy vào loại ung thư, sức đề kháng của con người sự tái phát khác nhau theo từng vị trí: tại chỗ, lân cận, tái phát xa.
Từ trường hợp bệnh nhân Minh, bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo, việc khám và tầm soát ung thư phụ khoa định kỳ quan trọng. Bệnh phụ khoa ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ. Ví dụ như trường hợp chị Minh nhiễm virus HPV chủng 16, 18 tiến triển thành tiền ung thư cổ tử cung và ung thư khi không theo dõi sát sau điều trị.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết thêm, hiện rất ít phụ nữ chủ động khám phụ khoa định kỳ. Thông thường, người bệnh chỉ đi khám khi cơ thể có dấu hiệu như đau bụng, viêm nhiễm, đau ngứa vùng kín; ra huyết âm đạo bất thường hoặc khi cần thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chữa vô sinh...
Theo số liệu từ GLOBOCAN, năm 2020, ung thư cổ tử cung đã cướp đi sinh mạng của khoảng 340.000 phụ nữ trên toàn thế giới. Ở Việt Nam số ca mắc mới là khoảng 4.000 trường hợp và gần 2.200 trường hợp tử vong. Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ khuyến cáo nên duy trì lối sống lành mạnh, chung thủy bạn tình, tiêm ngừa vaccine phòng HPV cho phụ nữ 9-26 tuổi, tuân thủ khám phụ khoa định kỳ 6-12 tháng một lần.
Tuệ Diễm