Viêm ruột thừa gặp ở mọi lứa tuổi, với biểu hiện đau vùng dưới bên phải của bụng, đôi khi đau ở vị trí trên rốn, dễ lầm với đau bao tử.
Ruột thừa xuất phát từ đoạn đầu của ruột già, có cấu trúc hình ống nhỏ như ngón tay, hẹp và dài khoảng vài centimet dính vào manh tràng. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải, nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Chức năng ruột thừa trong cơ thể chưa được xác định.
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa do tắc nghẽn trong lòng ruột thừa. Tình trạng tắc nghẽn khiến ruột thừa bị căng chướng, làm vi khuẩn phát triển, gây thiếu máu và viêm. Nếu không được điều trị, ruột thừa hoại tử vỡ sẽ gây viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa, nhiễm trùng huyết thậm chí tử vong.
Viêm ruột thừa nghiêm trọng hơn ở phụ nữ mang thai, do ruột thừa thường bị đẩy lên vị trí cao hơn nên điểm đau sẽ không giống như bình thường, dẫn đến sai lầm trong chẩn đoán và điều trị. Viêm ruột thừa không được điều trị kịp thời ở thai phụ có thể gây viêm phúc mạc ruột thừa, áp xe ruột thừa. Tình trạng viêm lan tỏa khắp ổ bụng dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng mẹ và con. Nếu điều trị trong giai đoạn này thì khả năng dính ruột hoặc tắc ruột sau phẫu thuật cao. Ngoài ra, chẩn đoán và xử trí trễ viêm ruột thừa trong giai đoạn có thai làm tăng nguy cơ sinh non hoặc sẩy thai.
![]() |
Hình ảnh mô tả viêm ruột thừa cấp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Nguyên nhân
Nguyên nhân tắc nghẽn lòng ruột thừa gây viêm có thể do sỏi phân, tăng sản của nang lympho, do dị vật thậm chí là giun.
Khi ruột thừa bị tắc nghẽn, vi khuẩn có thể sinh sôi ở bên trong gây sưng tấy và mưng mủ ở ruột thừa khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám chuyên khoa, giúp phát hiện chính xác tình trạng viêm ruột thừa và điều trị đúng cách.
Triệu chứng
- Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là cơn đau khởi phát ở vùng thượng vị, vùng quanh rốn sau đó lan xuống hố chậu phải nhưng cũng có thể đau ở hố chậu phải ngay từ đầu. Cơn đau có thể nặng hoặc chỉ đau nhẹ và gây khó chịu (giai đoạn đầu dễ lầm với đau dạ dày). Ở hố chậu phải, cơn đau trở nên liên tục và gia tăng nhiều hơn và thường gia tăng khi cử động, ho... Bụng thường co cứng và đau khi sờ vào.
- Biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng: Đầu tiên là chán ăn, mệt mỏi, ớn lạnh, sau đó người bệnh có biểu hiện sốt.
- Biểu hiện triệu chứng của rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi, đi tiêu phân lỏng là những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp khi bị viêm ruột thừa.
Khi bị đau bên phải bụng kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác của bệnh viêm ruột thừa, người bệnh nên đến ngay bệnh viện, không nên trì hoãn vì có thể đây là tình trạng khẩn cấp.
![]() |
Dấu hiệu viêm ruột thừa. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Viêm ruột thừa có thể gây ra các biến chứng như viêm phúc mạc ruột thừa, áp xe ruột thừa.
- Viêm phúc mạc ruột thừa: Là tình trạng vỡ ruột thừa, mủ và phân lan vào ổ bụng, gây viêm lan rộng ra khắp bụng. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng và bệnh nhân cần phẫu thuật cấp thời để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
- Áp xe ruột thừa: Là hình thành túi mủ trong ổ bụng. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ dẫn lưu mủ ra ngoài bằng cách đặt một ống thông qua thành bụng vào đến ổ áp xe. Ống thông dẫn lưu này được để lại tại chỗ trong hai tuần và bệnh nhân sẽ dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa. Trong một số trường hợp, áp xe được dẫn lưu ra ngoài và ruột thừa được cắt bỏ ngay lúc đó.
Chẩn đoán
Viêm ruột thừa thường có biểu hiện đau bụng dưới bên phải dữ dội kèm rối loạn tiêu hóa và có thể có sốt. Tuy nhiên, nhiều bệnh khác cũng có triệu chứng giống, ví dụ như viêm túi thừa đại tràng, ung thư đại tràng. Do đó, muốn được chẩn đoán chính xác, người bệnh cần tới bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa kiểm tra. Nếu nghi ngờ viêm ruột thừa, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu viêm ruột thừa hoặc loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra các triệu chứng.
Điều trị
Để chẩn đoán viêm ruột thừa, người bệnh có thể cần thực hiện một hoặc nhiều phương pháp chẩn đoán cùng lúc để tìm ra bệnh, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm công thức máu (CBC) vì viêm ruột thừa thường đi kèm với nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhiễm trùng ở đường tiết niệu hoặc các cơ quan khác trong ổ bụng cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm ruột thừa.
- Xét nghiệm nước tiểu: Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm nước tiểu để bác sĩ loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các triệu chứng đau bụng như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
- Thử thai: Thai ngoài tử cung có thể bị nhầm với viêm ruột thừa vì cũng có triệu chứng đau bụng dữ dội vùng bụng dưới. Nếu bác sĩ nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, người bệnh có thể được tiến hành thử thai, siêu âm qua ngả âm đạo để xác định.
- Khám vùng chậu: Các triệu chứng đau bụng cũng có thể do viêm vùng chậu, bệnh u nang buồng trứng (xoắn hoặc xuất huyết) hoặc một tình trạng viêm nhiễm phụ khoa (viêm tai vòi phải, viêm tử cung...). Vì vậy, người bệnh có thể phải khám phụ khoa để kiểm tra âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, tử cung và buồng trứng.
- Kiểm tra hình ảnh học vùng bụng: Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh khảo sát vùng bụng bằng hình ảnh học như siêu âm bụng tổng quát, CT scan bụng hoặc MRI để tìm ra nguyên nhân gây đau bụng giúp bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm ruột thừa hay là do những bệnh lý khác của đường tiêu hóa.
- Đối với điều trị viêm ruột thừa, phương pháp phổ thông nhất hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Trong trường hợp ruột thừa bị vỡ, phương pháp cắt ruột thừa sẽ được tiến hành cùng với việc làm sạch khoang bụng của bệnh nhân để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng. Phẫu thuật cắt ruột thừa trước đây thường được thực hiện bằng phương pháp mổ mở nhưng hiện nay, phẫu thuật nội soi đang trở nên thông dụng hơn vì ít để lại sẹo, ít đau và thời gian phục hồi nhanh hơn.
Chăm sóc
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày
Hậu phẫu, người bệnh nên ăn 6-8 bữa với lượng nhỏ thay vì ba bữa như thông thường, sau đó giảm dần số bữa và tăng dần lượng thức ăn mỗi bữa. Các bữa ăn nên đầy đủ chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo từ thịt và cá, rau xanh, quả. Tuần đầu người bệnh nên ăn đồ lỏng, mềm, sau đó ăn uống sinh hoạt bình thường.
Uống đủ nước, tăng cường rau củ quả
Người bệnh nên chọn thực phẩm lành mạnh và dễ tiêu hóa như cháo, súp. Tăng cường rau củ quả tươi sạch giàu vitamin C như dâu tây, cam, chanh, ổi, kiwi, bưởi... để tăng sức đề kháng, hỗ trợ quá trình làm sạch đường ruột, cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và hồi phục sau mổ. Đậu xanh có chứa chất kháng khuẩn, cũng nên ăn sau mổ. Uống đủ ít nhất hai lít nước mỗi ngày để tránh táo bón. Lưu ý không sử dụng các loại nước ngọt nhiều đường, trà đặc, cà phê...
Tránh chất kích thích, thực phẩm không lành mạnh
Người bệnh không hút thuốc, kiêng uống rượu bia... để tránh gây căng thẳng cho cơ thể đang trong quá trình phục hồi. Hạn chế các món dễ gây đầy bụng, khó tiêu, gồm thực phẩm nhiều đường tinh chế, bột tinh chế, đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ... Sữa bò, thịt đỏ và trứng cũng nên cắt giảm để tránh cảm giác nặng bụng và khó tiêu hóa.
Nghỉ ngơi
Sau phẫu thuật, phản ứng tự nhiên của cơ thể là dừng hoạt động bình thường để tập trung vào việc chữa lành. Bệnh nhân có xu hướng ngủ nhiều hơn trong ít nhất một tuần đầu sau phẫu thuật, dù là mổ mở hay nội soi. Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya giúp cơ thể giảm mệt mỏi, nhanh hồi phục. Sau khoảng hai tuần, người bệnh điều trị viêm ruột thừa cấp có thể trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường.
Tăng dần hoạt động
Người bệnh nghỉ ngơi nhưng cũng cần kết hợp vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa, rèn luyện cơ thể dẻo dai và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân vận động sớm, rời khỏi giường ngay từ ngày đầu sau mổ để nhanh có nhu động ruột, tăng cường hồi phục sớm.
Duy trì thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như ngồi trên mép giường với hai chân buông thõng ra khỏi mép giường. Nâng hai chân lên cho đến khi song song với sàn, giữ thẳng lưng và căng cơ. Giữ trong vài giây trước khi từ từ hạ chân xuống vị trí ban đầu. Lặp lại cho đến khi thấy mệt.
Sau một vài tuần, bệnh nhân có thể đi bộ nhẹ nhàng quanh nhà. Không nâng hay mang vác vật nặng, hạn chế chơi thể thao trong khoảng 2-4 tuần đầu tiên sau mổ để tránh căng cơ và áp lực lên vùng bụng phẫu thuật
Phòng ngừa
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở người trẻ, nam có nguy cơ cao hơn phụ nữ; những người có tiền sử gia đình từng bị viêm ruột thừa và những người có thói quen ăn ít chất xơ, táo bón lâu ngày....
Những người có nhiều yếu tố nguy cơ nên chú ý phòng ngừa để tránh táo bón, chẳng hạn như cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ. Tốt nhất, bạn nên đi khám ngay khi có triệu chứng đau bụng hay bất thườViêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở người trẻ, nam có nguy cơ cao hơn phụ nữ; những người có tiền sử gia đình từng bị viêm ruột thừa và những người có thói quen ăn ít chất xơ, táo bón lâu ngày...
Người có nhiều yếu tố nguy cơ nên chú ý phòng ngừa để tránh táo bón, chẳng hạn như cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ. Tốt nhất, bạn nên đi khám ngay khi có triệu chứng đau bụng hay bất thường đường tiêu hóa nhằm sớm phát hiện các bệnh ở đường ruột để điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, nên duy trì chế độ ăn uống vệ sinh, khoa học, nhất là giàu chất xơ để tốt cho sức khỏe tiêu hóa; tránh dùng chất kích thích; tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tật.ng đường tiêu hóa nhằm sớm phát hiện các bệnh ở đường ruột để điều trị kịp thời.
Nên duy trì chế độ ăn uống vệ sinh, khoa học, nhất là giàu chất xơ để tốt cho sức khỏe tiêu hóa; tránh dùng chất kích thích; tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tật.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.