Viêm loét đại tràng chảy máu điển hình đại tiện phân lỏng có máu, có thể có đau bụng, sốt..., đôi khi là có táo bón, đại tiện phân lẫn máu và nhầy. Bệnh có thể xảy ra triệu chứng ngoài ruột như viêm khớp, tổn thương ngoài da, tổn thương mắt và đường mật, nguy cơ dài hạn là ung thư ruột già.
Viêm loét đại tràng chảy máu là tình trạng đại tràng và trực tràng bị viêm nhiễm kéo dài. Đại tràng là ruột già và trực tràng là phần cuối của ruột, nơi chứa phân. Viêm loét đại tràng chảy máu thường khởi đầu ở trực tràng. Bệnh có thể chỉ cục bộ ở trực tràng (viêm loét trực tràng chảy máu) hoặc lan rộng, đôi khi ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng. Khi bị viêm loét đại tràng chảy máu có thể xảy ra các triệu chứng ngoài ruột, nhất là viêm khớp. Nguy cơ dài hạn là ung thư ruột già.
Viêm loét đại tràng chảy máu thường gặp ở độ tuổi đó là người trẻ 15-25 tuổi hoặc tuổi trung niên, sau 45 tuổi hay ở nữ hơn nam. Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng đến nay vẫn chưa rõ ràng nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Người ta cho rằng có liên quan đến thay đổi khẩu phần ăn đó là ăn ít rau quả và nhiều thịt, ăn thức ăn có nhiều chất bảo quản, ăn nhiều chất béo...
Nguyên nhân
Viêm loét đại tràng chảy máu được cho là một tình trạng tự miễn dịch. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch, cơ quan bảo vệ của cơ thể thường chống lại nhiễm trùng, gặp trục trặc và tấn công các mô khỏe mạnh của chính cơ thể mình. Nguyên nhân chính xác khiến hệ thống miễn dịch hoạt động theo cách này vẫn chưa rõ ràng. Hầu hết chuyên gia cho rằng đó là sự kết hợp của các yếu tố có thể người bệnh và môi trường, đặc biệt là môi trường trong ruột do thức ăn tạo ra.
Một số thói quen ăn uống như thích ăn thịt đỏ, sử dụng nhiều thức ăn nhanh cùng với lối sống ít vận động, ít thể dục thể thao góp phần gây nên các vấn đề về miễn dịch. Bên cạnh đó, căng thẳng cũng được cho là một yếu tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ viêm loét đại tràng chảy máu. Cả nam giới và phụ nữ dường như đều bị ảnh hưởng như nhau bởi bệnh viêm loét đại tràng chảy máu.
Triệu chứng
Người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu thường có các triệu chứng phân lỏng có máu, nếu tình trạng nặng thì phân có nhiều máu như nước rửa thịt, chất nhầy; đau bụng, muốn đi tiểu thường xuyên; cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và sụt cân nếu nặng có thể có sốt. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ viêm trực tràng, đại tràng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm. Đối với một số người, tình trạng này có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hằng ngày.
Trong thời gian bùng phát, một số người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể gặp phải các triệu chứng ở những nơi khác nhau trên cơ thể. Thông thường, một đợt bệnh bắt đầu âm thầm, tăng dần nhu cầu đi ngoài, đau quặn bụng dưới mức độ nhẹ và có nhầy máu trong phân. Một số người có triệu chứng phát triển thành đau và sưng khớp (viêm khớp), loét miệng, vùng da bị đau, đỏ và sưng, mắt bị kích thích và đỏ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bị viêm loét đại tràng đi đại tiện 6 lần trở lên mỗi ngày, các triệu chứng bổ sung có thể bao gồm: sốt cao, mạch nhanh phân có nhiều máu, chán ăn, sụt cân. Viêm đại tràng nhiễm độc hoặc kịch phát biểu hiện ban đầu với tiêu chảy nhiều, sốt cao, đau bụng, có thể có các dấu hiệu viêm phúc mạc (ví dụ phản ứng thành bụng) và nhiễm độc máu rõ.
Chẩn đoán
Phương pháp chẩn đoán viêm loét đại tràng chảy máu gồm:
- Nội soi đại tràng: cho phép xác định trực quan viêm đại tràng, nếu điển hình cho phép hướng đến chẩn đoán và giúp lấy mẫu bệnh phẩm bằng sinh thiết để làm xét nghiệm mô bệnh học.
- X-quang: X-quang không nhằm chẩn đoán mà dùng trong trường hợp bệnh nặng nghi ngờ có phình đại tràng nhiễm độc.
- Xét nghiệm máu đánh giá tình trạng nặng của bệnh.
Điều trị
Viêm loét đại tràng nếu không phát hiện bệnh và điều trị sớm, điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm tổn thương lan rộng toàn bộ đại tràng dẫn đến nhiều biến chứng nặng như phình đại tràng nhiễm độc, lâu dài làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng sau 8-10 năm.
Ở thể trạng nhẹ và vừa của viêm loét đại tràng, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lựa chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, trái cây và hoa quả tươi nhằm hạn chế chấn thương niêm mạc đại tràng viêm và từ đó có thể làm giảm các triệu chứng. Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng. Hạn chế căng thẳng quá mức khiến bệnh thêm trầm trọng nên thư giãn, thoải mái đầu óc, không sử dụng các chất kích thích, uống đủ nước.
Khi bị viêm loét đại tràng, người bệnh nên ngừng tất cả các thuốc chống tiêu chảy. Nếu có ý định dùng thuốc chống tiêu chảy, người bệnh cần phải hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể gây ra giãn đại tràng nhiễm độc.
Trong quá trình điều trị viêm loét đại tràng, lưu ý không lạm dụng kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng.
Chăm sóc
Người bệnh viêm đại tràng nên ăn các thực phẩm tốt cho đại tràng và sự phục hồi như ngũ cốc tinh chế, khoai tây, khoai sọ, thịt nạc, cá, bí xanh, bí đỏ, cà rốt, rau ngót, rau cải, sữa chua, sữa đậu nành...
Tránh dùng thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng, thức ăn thô cứng, thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường...
Phòng ngừa
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh viêm đại tràng. Người bệnh nên hạn chế đồ ăn chế biến sẵn trong siêu thị, những thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm chứa cafein, đồng thời tránh xa rượu, bia và thuốc lá. Thay vào đó, người dân nên uống nhiều nước, dùng thực phẩm ít chất béo; tăng cường chất xơ trong chế độ ăn, đồng thời tránh căng thẳng, stress; nên vận động mỗi ngày. Ngoài ra, người dân nên đến cơ sở chuyên khoa Tiêu hóa khi có các triệu chứng đại tiện phân lỏng, có nhầy máu...
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.