Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng và tạo thành vết loét, từ đó gây đau thượng vị và các triệu chứng khác.
Các giai đoạn viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày được chia làm hai giai đoạn là viêm loét cấp tính và mạn tính.
Viêm loét dạ dày cấp tính
Điểm đặc trưng của viêm loét dạ dày cấp tính là các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, biểu hiện rõ nét và diễn tiến trong thời gian ngắn. Ở giai đoạn này, nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi triệt để. Tuy nhiên, đa số người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng, chủ quan không đi khám, khiến bệnh tình trở nên phức tạp hơn.
Viêm loét dạ dày mạn tính
Viêm loét dạ dày cấp tính khi không được điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian có thể chuyển sang dạng mạn tính. Ở giai đoạn mạn tính, các tổn thương lan rộng, bệnh khó điều trị hơn, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm teo, chuyển sản ruột, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày, viêm nhiễm các cơ quan lân cận...
Triệu chứng
Tình trạng viêm loét dạ dày thường gây đau rát, đau âm ỉ ở vùng giữa xương ức (vùng dạ dày) hoặc giữa rốn (vùng thượng vị). Các cơn đau này có xu hướng nghiêm trọng hơn khi dạ dày rỗng, không chứa thức ăn. Tùy vào mức độ viêm loét mà cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Một số triệu chứng khác của viêm loét dạ dày gồm khó tiêu, đầy hơi; ợ nóng, ợ chua hoặc trào ngược axit; buồn nôn, nôn; ăn không ngon miệng, mau no; mệt mỏi, suy nhược; phân sẫm màu, phân đen hoặc có máu; sụt cân không rõ nguyên nhân.
Viêm loét dạ dày cấp tính có thể chữa trị khỏi nhưng ở giai đoạn mạn tính rất khó điều trị khỏi, gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị (viêm loét dạ dày có thể hình thành các mô viêm xơ ở cuối dạ dày, ngăn cản quá trình vận chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa), ung thư dạ dày.
Nguyên nhân
- Hầu hết trường hợp viêm loét dạ dày là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc do tác dụng phụ của thuốc giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs).
Vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân gây ra khoảng 60% các trường hợp viêm loét dạ dày. Khi đi vào cơ thể, loại vi khuẩn này sống trong lớp nhầy bao phủ và bảo vệ các mô lót ở niêm mạc dạ dày cũng như ruột non. Vi khuẩn tiết ra các độc tố làm hỏng lớp màng bảo vệ này, từ đó tạo điều kiện để axit dạ dày tiếp xúc với niêm mạc, gây bào mòn và tạo thành các vết loét tại đây. H. pylori được lây truyền qua đường ăn uống cũng như tiếp xúc gần với người đã phơi nhiễm. - Các thuốc thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen, naproxen... ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, yếu tố giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó khiến dạ dày dễ bị tổn thương, kích ứng và viêm loét. Một số thuốc khác như steroid, thuốc chống đông, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin... có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển vết loét khi dùng chung với NSAIDs.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp khác cũng có khả năng gây viêm loét dạ dày là tăng tiết axit dạ dày, hội chứng Zollinger-Ellison:
- Tăng tiết axit dạ dày: Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm di truyền, hút thuốc, căng thẳng hoặc tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định.
- Hội chứng Zollinger-Ellison là một căn bệnh hiếm gặp gây dư thừa axit trong dạ dày.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, bác sĩ trước tiên sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng gặp phải cũng như tiền sử bệnh và các loại thuốc đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán tình trạng viêm loét ở dạ dày cũng như xác định nguyên nhân gây bệnh:
- Nội soi: Một ống mềm, mỏng sẽ được đưa qua miệng, thực quản để vào dạ dày. Ống nội soi được gắn một máy quay nhỏ để giúp bác sĩ quan sát được bên trong dạ dày, từ đó phát hiện ra những vết loét, đánh giá tình trạng bệnh và vị trí tổn thương nhằm đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Hơn nữa, trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể can thiệp cầm máu ổ loét hoặc tiến hành sinh thiết quanh vị trí tổn thương để xác định tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori hoặc các vấn đề nghi ngờ khác.
- Xét nghiệm tìm kiếm sự hiện diện của H. pylori: Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là do nhiễm khuẩn H. pylori, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân và hơi thở để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn.
Điều trị
Tùy vào nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân như điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc, phẫu thuật. Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi các vết loét ở dạ dày phát triển phức tạp (tái phát liên tục, không khỏi, gây ra các biến chứng như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị), bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật.
Phòng ngừa
Việc quan trọng nhất cần làm để hạn chế viêm loét dạ dày là ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori. Theo đó, các chuyên gia y tế khuyến nghị mỗi người nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi và giữ gìn vệ sinh cá nhân để tránh lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.
Ngoài ra, một số phương pháp có thể được thực hiện để phòng ngừa viêm loét dạ dày, bao gồm xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ, probiotic..., thận trọng khi sử dụng các thuốc NSAIDs, bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và caffeine, kiểm soát căng thẳng...
Chăm sóc
Thay đổi cách ăn uống
Chế độ dinh dưỡng không phải là phương pháp điều trị viêm loét dạ dày trực tiếp. Tuy nhiên, đây là một công cụ hỗ trợ tối ưu cho người bệnh viêm loét dạ dày, giúp hồi phục tổn thương và cải thiện hệ tiêu hóa.
Những loại thực phẩm nên có mặt trong chế độ dinh dưỡng của người bị viêm loét dạ dày gồm:
- Rau quả giàu flavonoid: Các thực phẩm như táo, hành, gừng, trà xanh là những loại quả chứa hàm lượng flavonoid cao, có khả năng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori.
- Thực phẩm chứa vi khuẩn có lợi: Sữa chua, miso được xem là những thực phẩm giàu lợi khuẩn. Lợi khuẩn giúp tăng cường khả năng miễn dịch của hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ trong thực phẩm có công dụng làm giảm lượng acid bên trong dạ dày, đồng thời giúp người bệnh thuyên giảm các cơn đau hoặc đầy hơi. Bạn có thể bổ sung táo, lê, bột yến mạch vào trong bữa ăn của mình để có một hệ tiêu hóa tốt.
- Vitamin A: Loại vitamin này có thể giúp hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày bằng cách làm giảm tình trạng nghiêm trọng của những vết loét. Hơn nữa, vitamin A còn giúp hạn chế viêm loét dạ dày tái phát. Vitamin A có thể tìm thấy trong những thực phẩm như khoai lang, rau bina, cà rốt, dưa lưới và gan bò.
- Vitamin C: Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong làm lành các vết thương. Đối với người bệnh viêm loét dạ dày, vitamin C giúp hỗ trợ làm lành những vết loét và tăng cường sức đề kháng. Các loại trái cây như ổi, cam, quýt, kiwi là những thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung rau mồng tơi và bông cải xanh vào danh sách chất xơ để bổ sung vitamin C tối ưu.
Những loại thực phẩm mà người bệnh viêm loét dạ dày không nên hoặc hạn chế sử dụng không để bệnh phát triển nghiêm trọng hơn gồm:
- Rượu bia và thức uống có cồn: Rượu bia là nguyên nhân gây ra kích thích đường tiêu hóa, thậm chí là làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người đang bị hoặc đang điều trị viêm loét dạ dày không được sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có cồn. Với người khỏe mạnh cũng không nên lạm dụng để hạn chế bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian để xử lý những thức ăn có nhiều dầu mỡ hơn. Vì vậy, khi bạn đang bị viêm loét dạ dày, bác sĩ khuyến cáo bạn không nên ăn thức ăn dầu mỡ để tránh tình trạng kích thích dạ dày, ảnh hưởng đến những vết loét vốn có.
Thay đổi lối sinh hoạt
Người bệnh viêm loét dạ dày cần chú ý xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh không chỉ để rút ngắn quá trình điều trị viêm loét dạ dày mà còn có thể cải thiện được sức khỏe hiệu quả.
Vận động và luyện tập thể dục đều đặn giúp cho người bệnh tăng cường sức đề kháng, giữ sức khỏe được duy trì ở mức ổn định. Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn uống đúng giờ để hỗ trợ điều hòa chức năng và hoạt động co bóp của dạ dày. Hạn chế được các cơn đau do co thắt dạ dày.
Ngoài ra, người bệnh cũng bảo vệ tốt sức khỏe tâm thần của chính mình, tránh gặp phải những vấn đề như căng thẳng, mất ngủ. Sự liên kết giữa thần kinh và hệ tiêu hóa sẽ khiến tình trạng dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh có tình trạng sức khỏe tâm thần không ổn định.
Dùng các loại thực phẩm tốt cho dạ dày hỗ trợ chữa bệnh
Đối với việc chữa viêm loét dạ dày tại nhà, bạn có thể tham khảo qua những thực phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Phương pháp này được ưu tiên sử dụng cho những người bị viêm dạ dày nhẹ, với cường độ cơn đau thấp.
Một số thực phẩm tốt hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày như:
- Nghệ vàng và mật ong: Nghệ và mật ong có công dụng kháng viêm, hỗ trợ lành vết loét được sử dụng ở những bệnh nhân viêm dạ dày. Không chỉ giúp làm giảm đầy hơi, nghệ vàng và mật ong cũng hỗ trợ tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột.
- Nha đam: Nha đam được biết đến là thực phẩm có lợi cho sức khỏe với công dụng chữa lành những vết viêm ở dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa và ức chế nồng độ acid trong dịch vị dạ dày. Để hỗ trợ điều trị viêm dạ dày, bạn có thể sử dụng phần thịt của nha đam thành nước uống.
- Hỗ trợ điều trị viêm dạ dày bằng quả sung: Sung có khả năng hỗ trợ điều trị viêm dạ dày tại nhà vì có chứa những thành phần như phosphor, kali, glucose, vitamin, malic acid. Đây đều là những hợp chất có công dụng hỗ trợ làm lành các vết viêm loét ở dạ dày. Người bị viêm loét dạ dày có thể uống bột sung pha với nước ấm để cải thiện sức khỏe dạ dày và hệ tiêu hóa.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.