Viêm khớp tự miễn xảy ở mọi lứa tuổi, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như teo cơ, biến dạng khớp, tổn thương chức năng thận, phổi , tim mạch...
Viêm khớp tự miễn (hay viêm khớp do bệnh tự miễn) là khái niệm chung dùng để chỉ nhóm các bệnh khớp liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch, điển hình là viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp cột sống... Đây là những căn bệnh mạn tính, một khi khởi phát thì rất khó để chữa trị khỏi hoàn toàn.
Triệu chứng của các loại viêm khớp tự miễn không hoàn toàn giống nhau nhưng ở nhóm bệnh lý này, có một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp, dễ nhận biết như đau nhức tại khớp, cứng khớp, phần mềm quanh khớp sưng, đỏ và nóng, khớp hạn chế vận động, kèm theo tình trạng mệt mỏi, sốt, khó ngủ.
Bệnh tiến triển âm thầm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm tại khớp như teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp, đồng thời gây ra những vấn đề sức khỏe toàn thân nghiêm trọng như tăng áp lực động mạch phổi, tràn dịch màng phổi, bệnh phổi kẽ, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy giảm chức năng thận...
Những biến chứng của viêm khớp tự miễn khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động, sinh hoạt cá nhân, thậm chí phải phụ thuộc vào người khác. Nhiều người buộc phải tiến hành phẫu thuật thay khớp nhân tạo bán phần hoặc toàn phần để phục hồi chức năng vận động cho khớp xương bị ảnh hưởng.
Viêm khớp tự miễn là do rối loạn đáp ứng miễn dịch gây ra. Nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị rối loạn đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng giới chuyên môn đã tìm ra con đường và cách thức hệ miễn dịch tấn công, phá hủy khớp xương như thế nào, từ đó khái quát thành cơ chế bệnh sinh viêm khớp tự miễn.
Khi bị rối loạn, hệ miễn dịch mất đi khả năng phân biệt các mô của cơ thể với tác nhân gây hại bên ngoài nên đã đánh đồng cấu trúc màng hoạt dịch với cấu trúc màng vi khuẩn. Vì xác định màng hoạt dịch khớp là "kẻ ngoại lai" nên các tế bào miễn dịch lập tức phóng thích ra các cytokine (chất gây viêm) như TNF-α, interleukin 1, interleukin 6, interferon... và sản sinh các tự kháng thể để tiếp cận và hủy hoại màng hoạt dịch của khớp, gây viêm cục bộ.
Theo thời gian, quá trình viêm trở nên dữ dội hơn sẽ lan từ màng hoạt dịch sang sụn khớp và mô xương dưới sụn, bào mòn hai thành phần cấu tạo nên khớp xương. Lúc này, khớp xuất hiện các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau và lâu dần mất chức năng vận động, làm giảm sút chất lượng sống của người bệnh.
Nguyên nhân
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm khớp do bệnh tự miễn gồm:
- Tính di truyền: Tỷ lệ mắc bệnh ở người bệnh có bố hoặc mẹ mắc bệnh cao hơn gấp 2-3 lần so với các trường hợp khác.
- Tác nhân gây bệnh: Một số loại virus (viêm gan B, C, Influenzae...), vi khuẩn (Chlamydia, E.coli...)
- Giới tính: Gần 80% trường hợp mắc bệnh là nữ giới, trong đó khoảng 2/3 là ở độ tuổi trên 30 và tuổi trung niên.
- Chế độ dinh dưỡng, lối sống không phù hợp: Không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể; thói quen hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích thường xuyên; stress công việc, thức khuya kéo dài... là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Môi trường sống và làm việc ô nhiễm: thường xuyên tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thủy ngân, chì... có thể tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch, hay biến đổi và rối loạn hoạt động miễn dịch.
Triệu chứng
Triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người bệnh, tuy nhiên một số triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là:
- Mệt mỏi kéo dài, không rõ nguyên nhân ở giai đoạn đầu của bệnh.
- Giai đoạn toàn phát: Sốt dai dẳng, đau mỏi toàn thân, đau đầu.
- Đau các khớp xương, đau cơ...
- Sưng nóng ở các khớp, tràn dịch khớp...
Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh tự miễn ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều trường hợp xương khớp biến dạng cong vẹo hoặc phì đại, ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm và đi lại của người bệnh, thậm chí có nguy cơ tàn phế suốt đời và xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán
Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) là xét nghiệm đầu tiên mà bác sĩ sẽ chỉ định khi người bệnh có những triệu chứng, biểu hiện của bệnh tự miễn bằng cách xác định lượng kháng thể kháng nhân có ở máu người bệnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, có thể là do hiệu giá kháng thể của người bệnh thấp, tuy nhiên chưa thể loại trừ là không mắc bệnh, cần kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm khác để chẩn đoán. Ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm dương tính, đồng nghĩa là hiệu giá kháng thể của người bệnh tăng và nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao.
Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng phương pháp xét nghiệm kháng thể kháng nhân này thì lại không thể xác định chính xác người bệnh đang mắc bệnh lý tự miễn nào. Do đó, hầu hết trường hợp bác sĩ chỉ định thực hiện bổ sung một số xét nghiệm khác, tìm kiếm chính xác các kháng thể đặc hiệu ở mỗi bệnh nhân, chẩn đoán đúng và điều trị bệnh hiệu quả.
Điều trị
Trước đây, hầu hết bệnh tự miễn không thể chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh viêm khớp tự miễn phải chấp nhận sống chung với bệnh, gánh chịu những di chứng nặng nề, thậm chí tàn phế.
Hiện nay, sự tiến bộ của y học hiện đại mở ra bước ngoặt điều trị mới để kiểm soát đợt cấp của bệnh, làm chậm tiến triển của bệnh và giảm các biến chứng nặng.
Chăm sóc
Người bệnh viêm khớp tự miễn cần duy trì thói quen ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và tốt cho hệ cơ xương khớp, đồng thời tránh xa những thực phẩm có hại cho cơ quan này.
Các thực phẩm tốt cho bệnh nhân viêm khớp tự miễn gồm thực phẩm nhiều acid béo omega 3, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mì, bông cải xanh, các sản phẩm từ sữa và trái cây giàu vitamin C...
Người bệnh viêm khớp tự miễn cần tránh thức uống chứa cồn, đồ ăn nhanh, các loại thịt đỏ, hải sản, thịt gà, nội tạng động vật... vì càng khiến bệnh trở nên trầm trọng.
Phòng ngừa
Bệnh viêm khớp tự miễn hiện không có cách phòng ngừa triệt để và cũng chưa thể chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh có lối sống khoa học, được khám, chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ kết hợp bổ sung những dưỡng chất có khả năng tác động sâu vào cơ chế bệnh sinh, kiểm soát quá trình viêm thì hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng đau, hạn chế tổn thương khớp cũng như làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Trước hết, bệnh nhân nên cân bằng giữa nghỉ ngơi và tập thể dục để vừa giảm nhẹ tình trạng viêm, vừa duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của khớp. Tập yoga, đi bộ dưới nước, đạp xe, bơi lội... rất thích hợp để kéo căng cơ và tăng độ dẻo dai cho khớp.
Cùng với đó, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày theo tiêu chí giảm thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế (bánh quy, bánh ngọt, trà sữa, nước ngọt...), giảm đồ ăn giàu chất gluten (bánh mì, mứt, nước chấm, nước sốt, thịt chế biến sẵn...) và tăng cường rau xanh, hoa quả tươi cùng thực phẩm chứa hàm lượng omega-3 cao (cá hồi, cá thu, cá mòi, quả óc chó, hạt chia...).
Người bệnh viêm khớp tự miễn nên hạn chế bia rượu và cà phê vì chất kích thích có trong các loại đồ uống này sẽ làm tăng mức độ viêm trong cơ thể.
Khi sống chung với viêm khớp tự miễn, người bệnh cũng cần học cách quản lý căng thẳng thông qua các hoạt động thư giãn như thiền, yoga, đọc sách, tản bộ... Điều này giúp người bệnh vượt qua cơn đau khớp dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ra, người bệnh viêm khớp tự miễn có thể chủ động bổ sung các tinh chất thiên nhiên có khả năng điều hòa miễn dịch, ức chế các yếu tố tiền viêm, bảo vệ màng hoạt dịch và sụn khớp khỏe mạnh, như bộ tinh chất eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide, turmeric root, chondroitin sulfate...
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.