Ung thư gan đang gia tăng ở Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu từ viêm gan virus, uống rượu, hút thuốc, mắc các bệnh lý về gan. Để điều trị hiệu quả cần phát hiện và chẩn đoán sớm.
Ung thư gan có hai loại chính: ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát hình thành từ chính các tế bào gan. Ung thư gan thứ phát phát triển khi các tế bào ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan như ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú...
![]() |
Hình ảnh minh họa khối ung thư gan. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Triệu chứng
Hầu hết trường hợp không xuất hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư gan nguyên phát. Các dấu hiệu rõ ràng thường đến ở giai đoạn muộn như sút cân không rõ nguyên nhân; ăn không ngon miệng; cảm giác nặng, đau tức hoặc tự sờ thấy khối vùng hạ sườn phải; buồn nôn và nôn; mệt mỏi, suy nhược cơ thể; chướng bụng; vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu; sốt.
Nguyên nhân
Ung thư gan xảy ra khi các tế bào gan có sự thay đổi (đột biến) trong DNA. DNA của tế bào đảm nhận vai trò hướng dẫn cho mọi quá trình hóa học trong tế bào cơ thể. Đột biến DNA gây ra những thay đổi trong quá trình hướng dẫn này. Kết quả là các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát, cuối cùng hình thành nên khối u - một khối tế bào ung thư.
Đôi khi, ung thư gan phát triển từ một bệnh lý, chẳng hạn như viêm gan mạn tính. Trong một số trường hợp, bệnh xảy ra ở những người không có bệnh lý, khiến các bác sĩ cũng không thể xác định nguyên nhân gây bệnh.
Giai đoạn bệnh
Giai đoạn ung thư được xác định dựa vào mức độ tiến triển của khối u trong cơ thể, từ đó bác sĩ quyết định hướng điều trị phù hợp và tốt nhất. Ung thư gan được chia làm 4 giai đoạn:
- Ung thư gan giai đoạn một: Có một khối u duy nhất trong gan, chưa xâm lấn đến bất kỳ mạch máu nào trong gan.
- Ung thư gan giai đoạn hai: một khối u duy nhất trong gan đã xâm lấn các mạch máu hoặc nhiều khối u nằm trong gan nhưng có kích thước dưới 5 cm.\
- Ung thư gan giai đoạn ba:
Giai đoạn 3A: Có nhiều khối u trong gan và ít nhất một khối u lớn hơn 5 cm; chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan.
Giai đoạn 3B: Có một hoặc nhiều khối u gan, xâm lấn vào một trong những mạch máu chính trong gan (tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch gan) hoặc xâm lấn vào phúc mạc, chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan - Ung thư gan giai đoạn bốn:
Giai đoạn 4A: Các khối u đã di căn vào các hạch bạch huyết gần gan, nhưng chưa đến những cơ quan ở xa.
Giai đoạn 4B: Khối u đã di căn đến các cơ quan ở xa như phổi, xương hoặc não.
Ung thư gan có thể gây thiếu máu, tắc nghẽn ống dẫn mật, chảy máu, giãn tĩnh mạch thực quản, hội chứng gan thận, bệnh não gan.
Chẩn đoán
Chẩn đoán ung thư gan bắt đầu bằng quá trình thăm khám tổng quát và hỏi về tiền sử bệnh. Các xét nghiệm và quy trình chẩn đoán ung thư gan như xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm các chỉ điểm khối u gan trong máu, siêu âm ổ bụng, chụp CT ổ bụng hoặc MRI gan mật.
![]() |
Bệnh nhân được bác sĩ bệnh viện Tâm Anh siêu âm ổ bụng tầm soát ung thư gan. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Phần lớn trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan (hepato-cellular carcinoma - HCC) có thể được chẩn đoán xác định nếu người bệnh có hình ảnh khối u gan điển hình trên hình ảnh CT hoặc MRI, có tăng chỉ điểm ung thư gan trong máu (AFP), có hoặc không nhiễm viêm gan virus B/C mà không cần tiến hành sinh thiết u gan.
Một số trường hợp cần thiết, để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết gan. Sau khi được chẩn đoán xác định là ung thư gan, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cũng như tiên lượng bệnh.
Điều trị
Điều trị ung thư gan bằng phương pháp nào sẽ do bác sĩ cân nhắc dựa trên các yếu tố như số lượng, kích thước và vị trí của các khối u trong gan; chức năng gan; có bị xơ gan hay không; khối u có di căn đến hạch hoặc các cơ quan khác không.
Các phương pháp phổ biến điều trị ung thư gan như phẫu thuật, ghép gan, tiêm ethanol vào khối u, đốt sóng cao tần u gan, nút mạch hóa chất u gan, hóa chất động mạch gan, hạt vi cầu phóng xạ, xạ trị, hóa trị, điều trị đích với Sorafenib, Lenvatinib, điều trị miễn dịch với Atezolizumab, Bevacizumab, chăm sóc giảm nhẹ....
Phòng ngừa
Không thể ngăn ngừa ung thư gan, nhưng tuân thủ các biện pháp sau sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh như tiêm vaccine phòng viêm gan B, phòng tránh viêm gan C bằng cách có đời sống tình dục an toàn, không sử dụng ma túy, thận trọng khi xăm hoặc xỏ khuyên tai.
Phòng ngừa xơ gan cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan bằng cách hạn chế uống rượu, duy trì cân nặng hợp lý. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần; tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng (giảm tinh bột xấu, thức ăn chiên rán, đồ ngọt.
Tăng cường protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ quả) sẽ giúp bạn giữ được chỉ số cơ thể (BMI) trong giới hạn 18,5 - 22,9.
Khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư định kỳ rất quan trọng nhằm phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm, có thể điều trị khỏi và giảm chi phí cho người bệnh, đặc biệt người có nguy cơ cao như viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính, xơ gan...
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.