Ung thư dạ dày sớm có thể không có triệu chứng hoặc có biểu hiện khó tiêu, đau nhẹ vùng thượng vị, buồn nôn hoặc chán ăn.
Khái niệm ung thư dạ dày sớm (EGC) bắt nguồn từ Nhật Bản vào năm 1962. Vào thời điểm đó, ung thư dạ dày sớm được định nghĩa là một loại ung thư có thể điều trị thành công bằng phẫu thuật. Ung thư dạ dày sớm hiện được định nghĩa cụ thể hơn là ung thư biểu mô tuyến giới hạn ở niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, không phân biệt di căn hạch. Những bệnh ung thư này có tiên lượng tốt hơn đáng kể so với các giai đoạn tiến triển của ung thư dạ dày.
Đối tượng bệnh
Ung thư biểu mô tuyến dạ dày là căn bệnh thường gặp trên toàn cầu. Các nghiên cứu cho thấy ung thư dạ dày sớm chiếm 15-57% trường hợp ung thư dạ dày, tùy thuộc vào khu vực địa lý và sự hiện diện của các chương trình tầm soát. Các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao bao gồm châu Mỹ Latin, Đông Á và các khu vực ở châu Âu, Trung Đông.
Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày sớm cũng như tỷ lệ ung thư biểu mô tuyến dạ dày thay đổi tùy thuộc vào dân số. Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 5-10 lần ở Đông Á. Điều này nhờ vào các chương trình tầm soát đã được thực hiện ở Nhật Bản trong vài thập kỷ và gần đây là ở các khu vực khác của Đông Á nên tạo điều kiện phát hiện sớm. Sự khác biệt cũng được cho là do định nghĩa mô học dạ dày sớm ở các trung tâm châu Á và không phải châu Á.
Không có sự khác biệt đáng kể về đặc điểm nhân khẩu học của bệnh nhân ung thư dạ dày sớm giữa các nước châu Á và không thuộc châu Á. Sự phân bố giới tính và tuổi của người mắc ung thư dạ dày sớm tương tự nhau ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ. Tuổi trung bình khi được chẩn đoán là khoảng 60 tuổi và nam bị nhiều hơn nữ.
Nguyên nhân
- Nhiễm trùng do vi khuẩn H. pylori (một bệnh nhiễm trùng dạ dày phổ biến đôi khi có thể dẫn đến loét).
- Polyp dạ dày (sự phát triển bất thường của mô hình thành trên niêm mạc dạ dày).
- Bệnh viêm loét dạ dày tái đi tái lại, hoặc có tiền căn phẫu thuật các bệnh lý lành tính ở dạ dày.
- Người từ 50 tuổi trở lên.
- Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn phụ nữ.
- Hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Chế độ ăn có nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, ăn nhiều thức ăn nướng hoặc xông khói/ ngâm muối, ăn ít rau củ quả như đồ ăn lên men, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói.
- Béo phì.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày và/ hoặc các hội chứng rối loạn về đường tiêu hóa khác.
- Người gốc Á (đặc biệt là Hàn Quốc hoặc Nhật Bản), Nam Mỹ hoặc Belarus: Có thể có liên quan đến thói quen ăn uống.
Triệu chứng
Các triệu chứng của ung thư dạ dày sớm không đặc hiệu, có thể không có triệu chứng hoặc có biểu hiện khó tiêu, đau nhẹ vùng thượng vị, buồn nôn hoặc chán ăn.
Tiền căn các triệu chứng mơ hồ ở đường tiêu hóa trên có thể xuất hiện 6-12 tháng trước khi chẩn đoán bệnh và xảy ra ở 90-95% bệnh nhân không được phát hiện qua tầm soát. Do tỷ lệ mắc chứng khó tiêu cao ở nhiều dân số, nhiều người mắc ung thư dạ dày sớm có thể được chẩn đoán tình cờ. Các dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo bệnh xâm lấn như thiếu máu chiếm 5-15% hoặc sụt cân chiếm 4-40%. So với ung thư biểu mô tuyến tiến triển, sụt cân xảy ra ở hơn 60% trường hợp.
Chẩn đoán
Nội soi với sinh thiết không mục tiêu có hệ thống và sinh thiết có mục tiêu các sang thương nghi ngờ là tiến trình chẩn đoán được lựa chọn cho ung thư dạ dày sớm. Phương pháp này nhạy và đặc hiệu hơn trong việc phát hiện ung thư dạ dày sớm so với chụp X-quang barit cản quang.
Trên hình ảnh nội soi, ung thư dạ dày sớm có thể xuất hiện dưới dạng một khối lồi, một mảng nông, đổi màu niêm mạc, chỗ lõm hoặc vết loét. Các phát hiện trên nội soi có thể dự đoán giai đoạn ung thư dạ dày sớm với độ chính xác cao.
![]() |
Nội soi dạ dày gây mê tầm soát ung thư tại bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Hệ thống máy nội soi ứng dụng các công nghệ hình ảnh mới như hình ảnh dải hẹp (NBI), hình ảnh màu kết hợp (LCI), ánh sáng xanh (BLI) với độ phóng đại cao giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán.
Sinh thiết dạ dày ở những bệnh nhân thuộc đối tượng có nguy cơ cao như có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày, người nhập cư từ các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao, viêm teo, chuyển sản hoặc loạn sản ruột đã biết, bệnh nhân có các dấu hiệu lâm sàng hoặc nội soi cần cảnh giác.
Điều trị
Các phương thức điều trị ung thư dạ dày sớm (EGC) bao gồm cắt bỏ qua nội soi, phẫu thuật cắt dạ dày, điều trị kháng sinh để tiệt trừ Helicobacter pylori và các liệu pháp hỗ trợ.
Tiên lượng
- Tiên lượng khi không điều trị: Nghiên cứu cho thấy nếu không điều trị, 63% bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu sẽ tiến triển thành giai đoạn cuối trong vòng 5 năm (6-88 tháng).
- Tiên lượng sau điều trị: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư dạ dày sớm được điều trị sớm là trên 90%. Trong đó, tỷ lệ này là gần 100% đối với ung thư niêm mạc và 80-90% đối với khối u dưới niêm mạc. Tỷ lệ sống còn sau 5 năm tương tự giữa những bệnh nhân được cắt bỏ nội soi (96%) và phẫu thuật cắt dạ dày (94%).
Tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật là khoảng 1-5% trong các báo cáo từ Hàn Quốc và Nhật Bản và 5-15% trong các nghiên cứu từ các trung tâm phương Tây. Trong số những bệnh nhân được cắt bỏ qua nội soi, tỷ lệ tái phát đã được báo cáo là 0-30%. Tỷ lệ tái phát cao hơn ở những người không được cắt thành một khối. - Tiên lượng liên quan đến di căn hạch: Theo y văn, 10% trường hợp ung thư dạ dày sớm ở niêm mạc và 20-30% trường hợp ung thư dạ dày sớm dưới niêm mạc sẽ có di căn hạch bạch huyết.
Chăm sóc
Sau đây là cách người bệnh tự chăm sóc sau khi điều trị ung thư dạ dày sớm:
- Tập luyện thể thao: Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cảm giác khỏe mạnh sau quá trình điều trị ung thư và giúp bạn phục hồi nhanh hơn.
- Chế độ ăn uống cân bằng: Thay đổi chế độ ăn uống gồm nhiều trái cây và rau quả cũng như ngũ cốc nguyên hạt.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Cân nặng có thể bị tăng hoặc giảm trong thời kỳ trị liệu ung thư. Hãy cố duy trì cân nặng cơ thể ở một mức độ lành mạnh là cách chăm sóc cơ thể sau điều trị ung thư.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ đủ giấc là một phần thiết yếu trong tiến trình bình phục sau giai đoạn trị liệu ung thư. Điều này giúp giải tỏa mệt mỏi và nạp lại năng lượng cho trí óc cũng như cơ thể, giúp người bệnh hoạt động một cách tối ưu nhất khi tỉnh giấc. Ngủ đủ và ngon giấc sẽ thúc đẩy năng lực nhận thức, cải thiện chức năng hóc-môn và làm giảm huyết áp
- Giảm căng thẳng: Giúp nâng cao chất lượng sống, như giải tỏa phiền muộn, lo âu và những triệu chứng liên quan đến ung thư cũng như quá trình điều trị căn bệnh này.
- Ngưng hút thuốc: Giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát và rủi ro phát triển một loại ung thư khác.
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Phòng ngừa
Ung thư dạ dày ngày càng phổ biến và trẻ hóa, việc điều trị lại tốn kém và khó khăn. Đặc biệt, nếu phát hiện muộn khi các tế bào ung thư đã di căn thì vô phương cứu chữa. Vì vậy, người dân nên nâng cao việc phòng chống bệnh ung thư dạ dày ngay từ sớm bằng cách.
- Duy trì chế độ sinh hoạt, luyện tập, nghỉ ngơi khoa học.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh với các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ.
- Hạn chế ăn các thực phẩm giàu nitric và amin thứ cấp như dưa muối, cà muối, đồ ăn lên men, thịt hun khói, đồ nướng. Vì khi đi vào dạ dày, các chất này sẽ kết hợp thành độc tố gây nguy cơ ung thư.
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích.
- Hạn chế đồ ăn công nghiệp và nước ngọt đóng chai.
- Chủ động tầm soát ung thư dạ dày sớm đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ.
- Độ tuổi thường gặp ung thư dạ dày là từ 50 tuổi trở lên, nhưng những năm gần đây, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa và phổ biến cả ở những người dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm từ giai đoạn khởi phát thì cơ hội điều trị thành công cao, tỷ lệ sống trên 5 năm đến 90%. Do đó, người dân nên nâng cao việc phòng ngừa và tầm soát ung thư dạ dày từ sớm để tránh những rủi ro đáng tiếc do căn bệnh nguy hiểm này gây ra.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.