Nếu chủ động phòng ngừa, tầm soát và phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh ung thư cổ tử cung nguy hiểm và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận trường hợp một bệnh nhân có khối u cổ tử cung khi chỉ mới 14 tuổi.
Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, nữ giới nên chủ động tầm soát định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm, bảo tồn thiên chức làm mẹ.
Ung thư cổ tử cung tiến triển âm thầm, kéo dài khoảng 10-20 năm, trải qua nhiều giai đoạn. Một số trường hợp ung thư cổ tử cung được chẩn đoán mắc bệnh khi 40 tuổi nhưng mầm mống virus HPV đã tồn tại âm thầm bên trong cơ thể từ thời thiếu nữ. Do đó, việc phát hiện càng sớm sẽ góp phần tăng khả năng chữa khỏi bệnh.
Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư, khả năng sinh sản và tính mạng của người bệnh được bảo tồn. Tuy nhiên, trường hợp bệnh đã sang giai đoạn tiến triển, thời gian sống bao lâu sẽ phụ thuộc vào giai đoạn cụ thể và quá trình điều trị.
- Giai đoạn I: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã xâm lấn tại chỗ cổ tử cung, còn khu trú chưa xâm lấn sang cơ quan khác. Do đó, phương pháp điều trị hiệu quả là tiến hành cắt một phần hoặc toàn bộ tử cung hoặc xạ trị, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm lên đến khoảng 90%, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, tăng nguy cơ dọa sảy thai do hình thành các mô sẹo.
- Giai đoạn II: Các tế bào ung thư đã bắt đầu lan đến âm đạo và các mô xung quanh cổ tử cung, do đó cần kết hợp phẫu thuật xạ hóa trị. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 50-65%.
- Giai đoạn III: Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này chỉ khoảng 25-35%.
- Giai đoạn IV: Khối u đã lan ra vùng chậu, xâm lấn các cơ quan như bàng quang, trực tràng, di căn đến phổi, gan, xương... Việc điều trị ở giai đoạn này rất khó khăn, chủ yếu là kéo dài thêm thời gian sống cho người bệnh. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm chỉ còn dưới 15%.
Ung thư cổ tử cung có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau qua từng giai đoạn. Tùy thuộc vào mức độ tiến triển bệnh, sự xâm lấn và di căn của các tế bào ung thư mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau như xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung, buồng trứng. Do đó, khả năng mang thai, sinh nở của phụ nữ mắc bệnh ung thư ở vùng cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào phương pháp điều trị. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể cân nhắc phác đồ điều trị bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh.
Nguyên nhân
Thống kê của WHO cho thấy khoảng 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV (Human Papilloma Virus). Do đó, virus HPV được coi là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ra bệnh lý này ở nữ giới.
Ngoài ra một số yếu tố làm khả năng thay đổi từ tế bào lành tính sang tế bào ung thư, tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới gồm có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, mang thai quá sớm hoặc mang thai nhiều lần, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hệ miễn dịch suy yếu, hút thuốc lá.
Triệu chứng
Các triệu chứng ban đầu của ung thư cổ tử cung không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn có thể tế bào ung thư đã di căn lan rộng. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả, nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp xấu nhất, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung:
- Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
- Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa.
- Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi.
Chẩn đoán
Thông qua quá trình khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, nếu nghi ngờ người bệnh có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung, các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bổ sung.
Điều trị
Điều trị khối u cổ tử cung là đa mô thức, tức là gồm nhiều phác đồ điều trị khác nhau, chứ không phải cứ ung thư là phẫu thuật như nhiều bệnh nhân lầm tưởng. Tùy theo từng giai đoạn bệnh mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, có thể phẫu thuật hoặc xạ trị đơn thuần, cũng có thể kết hợp giữa phẫu thuật - hóa trị - xạ trị.
Phòng ngừa
- Tiêm vaccine phòng virus HPV được xem là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, vaccine phòng ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép có hiệu lực sử dụng từ năm 2007, có khả năng phòng ngừa tổn thương và lây nhiễm gây ra bởi hai type HPV nguy cơ cao là 16 và 18. Thêm vào đó, vaccine còn giúp phòng ngừa mụn cóc ở cơ quan sinh dục và các bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục khác như âm đạo, dương vật, âm hộ, hậu môn...
- Cần xây dựng đời sống lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HPV - tác nhân dẫn đến u cổ tử cung.
- Không nên quan hệ tình dục sớm, nhất là ở độ tuổi vị thành niên vì cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, còn nhạy cảm.
- Chú ý quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình vì nguy cơ cao lây nhiễm HPV, đặc biệt là khi bạn tình có nhiều bạn tình khác.
- Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục...
- Đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời khi có những triệu chứng bất thường.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.