Rối loạn tiêu hóa là các triệu chứng đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy... Các rối loạn này có thể gặp ở người lớn cũng như trẻ em và liên quan đến các vấn đề như thói quen ăn uống, sinh hoạt hoặc do các bệnh lý tiêu hóa gây ra.
Đường tiêu hóa bao gồm miệng, dạ dày và ruột. Cùng với gan, túi mật và tuyến tụy, các cơ quan này làm việc cùng nhau để hấp thụ chất dinh dưỡng và đào thải chất thải ra ngoài. Khi quá trình này bị xáo trộn có thể gây ra một loạt các triệu chứng về tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý đơn thuần mà là hậu quả của nhiều bệnh khác gây ra. Rối loạn tiêu hóa cũng có trường hợp không phải do bệnh lý mà từ lối sống, chế độ ăn uống chưa lành mạnh... Các rối loạn tiêu hóa phổ biến như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, đại tràng...
Rối loạn tiêu hóa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu tình trạng kéo dài có thể gây phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu rối loạn tiêu hóa do hậu quả từ các bệnh lý khác thì chúng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh hiện có.
Triệu chứng
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên cần đặc biệt cần chú ý ở trẻ em, người già, người có bệnh đường tiêu hóa, phụ nữ mang thai. Các triệu chứng thường gặp như đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, ợ chua, ợ nóng, đau, buồn nôn và nôn, đi ngoài ra máu...
- Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng hay gặp, và thường xuất hiện ban đầu khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Vị trí đau có thể xuất hiện ở vùng thượng vị, lệch sang trái,(viêm loét dạ dày) có thể lan dọc thực quản hoặc đau bụng quanh rốn, lệch trái hoặc đau bụng dưới hoặc dọc theo khung đại tràng (liên quan bệnh lý đại tràng như hội chứng ruột kích thích), cơn đau có thể âm ỉ từng đợt, kéo dài nhiều ngày nhưng cũng có thể đau liên tục dữ dội (viêm loét cấp dạ dày)
- Rối loạn phân: Người bị rối loạn tiêu hóa có thể gặp tình trạng ỉa lỏng nhiều lần trong ngày (phân có thể loãng, hoặc nát, toé nước) hoặc táo bón (phân cứng, rắn, khó đi ngoài) hoặc phân lỏng và táo bón xen kẽ (hội chứng ruột kích thích), thậm chí người bệnh có thể ỉa phân lẫn ít máu tươi (bệnh trĩ, bệnh viêm ruột...).
- Chướng bụng, đầy hơi do tình trạng tích tụ khí trong ống tiêu hóa, rối loạn nhu động dạ dày, đại tràng có thể dẫn đến khó chịu ở bụng. Đầy hơi khiến người mắc cảm thấy chướng, khó chịu vùng bụng dẫn đến ăn không ngon miệng.
- Nôn hoặc buồn nôn (cảm giác muốn nôn nhưng không nôn được), hoặc ợ chua, ợ hơi có thể đi kèm với các triệu chứng đau bụng, chướng bụng trong các bệnh lý như bệnh trào ngược thực quản, dạ dày, chứng khó tiêu...
- Người bệnh có rối loạn tiêu hóa cũng có thể đi kèm cảm giác ăn uống không ngon miệng, chán ăn, nhanh no... Đối với trẻ em, triệu chứng thường gặp như không chịu ăn uống, quấy khóc... Các trẻ nhỏ khi có rối loạn tiêu hoá kéo dài, đặc biệt là tiêu chảy có thể khiến người bệnh mất nước, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sút cân, kém phát triển, suy dinh dưỡng. Do vậy, rối loạn tiêu hóa nói chung có thể ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, cũng như công việc của người lớn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể xuất phát từ bệnh lý hoặc do chế độ ăn uống, lối sống. Dưới đây là một số nguyên nhân rối loạn tiêu hóa thường gặp liên quan đến chế độ sinh hoạt.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng... hoặc thức ăn không được chế biến sạch sẽ cũng khiến người lớn, trẻ em bị đau bụng, khó chịu, tiêu chảy... Chế độ ăn uống cay, nóng, chua, thực phẩm chế biến sẵn, dầu mỡ... cũng làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như môi trường vệ sinh kém, nguồn nước không sạch, nhiễm khuẩn...
- Uống nhiều rượu bia: Sau khi uống rượu bia, nhiều người thường gặp triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng... Rượu bia là thức uống gây hại cho gan, hệ tiêu hóa, làm chết các hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, khiến đường ruột mất cân bằng. Uống rượu bia quá nhiều có thể khiến tổn thương niêm mạc ruột, lâu ngày có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng...
- Stress kéo dài: Căng thẳng kéo dài có thể khiến hệ thần kinh trung ương (nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa) bị rối loạn ảnh hưởng tới nhu động đường tiêu hóa và ảnh hưởng tới bài tiết dịch của hệ tiêu hóa gây ra các triệu chứng. Do đó, những người thường xuyên bị căng thẳng thì hệ tiêu hóa cũng không hoạt động tốt.
- Lạm dụng thuốc kháng sinh: Những người uống thuốc kháng sinh lâu ngày dẫn đến hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, suy giảm sức đề kháng. Lạm dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý mua thuốc kháng sinh ở các quầy thuốc mà không có hướng dẫn, thăm khám từ bác sĩ.
- Bệnh lý: Các bệnh lý mắc phải và việc sử dụng thuốc điều trị bệnh... cũng ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, khiến hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn.
Chẩn đoán
Rối loạn tiêu hóa có thể liên quan và ảnh hưởng đến một hoặc nhiều bộ phận, cơ quan trong hệ thống. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng , bác sĩ chỉ định phương pháp cận lâm sàng cần thiết, phù hợp để chẩn đoán chính xác nhất. Một số xét nghiệm được sử dụng phổ biến gồm:
Các xét nghiệm tổng quát đánh giá các chức năng chung của cơ quan như tổng phân tích tế bào máu, chức năng gan, thận, các xét nghiệm điện giải đồ (Na, K, Cl, Canxi), dinh dưỡng (protein, albumin) liên quan đến các rối loạn tiêu hoá (ỉa lỏng, nôn, mất dịch....)
Nội soi thực quản, dạ dày, đại trực tràng giúp phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hoá: viêm thực quản trào ngược, loét dạ dày, viêm ruột, viêm loét đại tràng.
- Nội soi ổ bụng.
- Đo pH thực quản 24 giờ giúp phát hiện tình trạng tăng tiết acid, trào ngược acid từ dạ dày lên thực quản
- Đo áp lực nhu động thực quản, trở kháng thực quản giúp phát hiện các rối loạn chức năng nhu động đường tiêu hoá
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân giúp sàng lọc, phát hiện các tổn thương trong đại tràng, ruột non...
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ trong các trường hợp đặc biệt (các khối u, hoặc tổn thương ruột non...)
- Chụp X-quang.
Những phương pháp cận lâm sàng này kết hợp với thăm khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân, bệnh lý rối loạn tiêu hoá từ đó đề ra kế hoạch điều trị hiệu quả. Một số xét nghiệm yêu cầu nhịn ăn, đi đại tiện trước khi thực hiện, hoặc không cần chuẩn bị. Về vấn đề này, người bệnh cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để tiến hành.
Điều trị
Rối loạn tiêu hóa nên được điều trị ban đầu bằng điều chỉnh thay đổi lối sống, ăn uống. Phương pháp này có thể giúp cải thiện triệu chứng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là các rối loạn liên quan đến chế độ sinh hoạt không lành mạnh, hoặc các bệnh lý chức năng (chứng khó tiêu, hội chứng ruột kích thích). Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng... kéo dài, diễn ra nhiều lần trong ngày thì người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám để chẩn đoán và điều trị phù hợp. Phụ huynh nên chú ý khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, môi khô, mất nước... cần cho con uống nhiều nước và đưa đến bệnh viện. Nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa do có các bệnh lý nền gây ra, tùy theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc phù hợp.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh. Người lớn không nên uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều, hạn chế các thực phẩm chua, cay... Ăn chín, uống sôi, thức ăn được đậy kín, tránh bụi bẩn, hạn chế dùng các thực phẩm bán ở lề đường... sẽ giúp phòng tránh tình trạng này. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn cũng là thói quen tốt mà cha mẹ cần hình thành cho trẻ khi còn nhỏ.
Bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa qua chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất có ích. Một số loại sữa bổ sung lợi khuẩn, sữa chua, đậu nành lên men (natto)... là nguồn cung cấp lợi khuẩn cho cơ thể. Chế độ ăn nhiều chất xơ như rau củ, trái cây sẽ là nguồn thức ăn nuôi các vi khuẩn có lợi. Chất xơ có trong khoai lang, rau dền, đu đủ.... có tác dụng nhuận tràng tốt, hạn chế táo bón. Mỗi ngày, người trưởng thành nên uống đủ nước khoảng 2-3 lít mỗi ngày. Trẻ nhỏ uống theo nhu cầu của cơ thể.
Bên cạnh lựa chọn thực phẩm hợp vệ sinh, mọi người cũng nên chú trọng cách ăn uống như ăn chậm nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa việc, xem tivi, xem điện thoại, đọc báo. Không nên nằm khi vừa ăn xong, tránh ăn quá khuya, ăn quá no hay để bụng quá đói. Tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đều đặn sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa.
Tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên (ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần tối thiểu 30 phút), tránh căng thẳng kéo dài... là một trong những cách để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, phòng nhiều bệnh tật.
Chăm sóc
Chế độ ăn ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình điều trị, chăm sóc và phục hồi chứng rối loạn tiêu hóa. Các nhóm thực phẩm nên ăn và nên kiêng gồm:
- Thực phẩm nên ăn: Rau củ quả, ngũ cốc, các loại hạt, các loại đậu, gừng, sữa chua...
- Thực phẩm nên kiêng: Thức ăn cay nóng, nhiều axit, sữa và các sản phẩm từ sữa, rượu bia...
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.