Móng quặp còn gọi móng mọc ngược hay móng chọc thịt, là tình trạng thân móng không mọc thẳng mà quặp lại như móng vuốt, cắm sâu vào phần thịt ở hai bên khóe ngón chân, gây đau nhức. Tình trạng này nếu không sớm chữa trị có thể dẫn đến nhiễm trùng xương và nhiễm trùng máu.
Móng quặp là bệnh lý khá phổ biến. Tỷ lệ mắc lên đến 20%. Thực tế, chúng ta đều mắc phải tình trạng này ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, tình trạng này thường ở mức độ nhẹ, gây khó chịu trong vài ngày, không cần điều trị. Tình trạng móng quặp xảy ra nhiều nhất ở ngón chân, đặc biệt là ở ngón chân cái, rất hiếm ở ngón tay.
Nguyên nhân
Móng sẽ mọc theo một kiểu cố định nhờ tác động của ngoại lực và nội lực. Ngoại lực là lực tác động bên ngoài không có sự tham gia của cơ thể (phía trên móng đẩy xuống). Nội lực là do sự phát triển và thay đổi của chính ngón chân (từ dưới móng đẩy lên). Hai lực này cần cân bằng để duy trì tình trạng ổn định cho móng. Trong một số trường hợp, ngoại lực lại lấn át đi nội lực, khiến móng trở dần bị cong xuống và chọc vào thịt, gây đau nhức.
Các nguyên nhân gây ra tình trạng móng chọc thịt gồm:
- Mang giày dép quá chật: Tình trạng móng quặp thường gặp ở trẻ vị thành niên. Do kích thước bàn chân tăng dần theo thời gian nhưng chưa thay đổi kích cỡ giày phù hợp.
- Chấn thương nhỏ tái phát nhiều lần: Nếu thường xuyên chơi các môn đòi hỏi chạy nhảy nhiều như chạy bộ, bóng rổ, khiêu vũ...
- Cắt móng chân quá ngắn: Cắt khóe sẽ làm móng mất đi định hướng cũ. Phần móng mới có thể mọc chọc thẳng vào da thịt.
- Vệ sinh chân không kỹ: Sau khi lao động, chơi thể thao, nếu không vệ sinh bàn chân cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Bất thường bẩm sinh trong cấu trúc bàn chân: Bàn chân bẹt, ngón cái vẹo ngoài....
- Bất thường về hình dạng do di truyền: Móng chân hình càng cua
- Bệnh lý về móng: Bệnh lý phổ biến là nấm móng.
- Mắc một số bệnh lý: Móng chọc thịt thường xảy ra ở người béo phì, bệnh nhân đái tháo đường, suy tim, suy thận, viêm khớp bàn ngón chân mãn tính, bệnh lý mạch máu chi dưới...
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị: Thuốc điều trị ung thư có thể gây ra tình trạng này.
Triệu chứng
Các biểu hiện thường gặp khi bị móng quặp được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Người bệnh chỉ thấy đau nhẹ, nhất là khi chạy hay nhón mũi chân. Khi nhìn kĩ, bạn sẽ thấy khóe móng chân viêm đỏ nhẹ. Khi đó, đĩa móng đã gây chấn thương cho biểu mô cuốn móng bên. Tình trạng này nếu liên tiếp xảy ra sẽ gây phù nề cuốn móng bên.
- Giai đoạn 2: Người bệnh sẽ thấy ngón chân hay cả bàn chân đổ nhiều mồ hôi hơn. Mùi hôi có phần nồng và khó chịu. Phần viêm ở khóe móng đã dồn đụn lên một ụ thịt rõ. Dưới ụ thịt này là một phần móng bị vùi lấp, có thể có dịch tiết, máu hay mủ. Triệu chứng kèm theo thường là sốt.
- Giai đoạn 3: Sau một thời gian nếu không được chữa trị, móng chân sẽ cắm sâu vào ụ thịt, gây viêm tấy đỏ và loét, chảy mủ chảy. Tình trạng nhiễm trùng đã trầm trọng. Theo thời gian, khối nhiễm trùng này có thể đi sâu tận vào xương.
Chẩn đoán
Bác sĩ kiểm tra móng có bị quặp hay không bằng cách hỏi bệnh, quan sát, sờ nắn bằng tay và xác định mức độ tổn thương, sau đó cho người bệnh thực hiện một vài xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu để tìm ra dấu hiệu nhiễm trùng, đặc biệt là nếu có sốt kèm theo.
- Siêu âm, đặc biệt là khi chảy mủ và dịch, giúp bác sĩ xem xét mức độ tổn thương nhiều hay ít, đã lan rộng chưa.
- Chụp X-quang xương thường thực hiện với trường hợp nặng, để lâu. Vi khuẩn có khả năng đã ăn sâu vào xương.
- Người bệnh cần nhiều xét nghiệm hơn nếu mắc bệnh nền như đái tháo đường, loét do tĩnh mạch...
Điều trị
Tùy vào mức độ mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn có phương pháp điều trị thích hợp.
Giai đoạn sớm
- Giai đoạn này chỉ bị viêm và đau nhẹ. Người bệnh chỉ cần ngâm chân với nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh móng và kẽ móng
- Trường hợp viêm tiết dịch nhiều, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, giảm viêm, hạ sốt... để điều trị tình trạng viêm, giảm nhiễm trùng và hẹn tái khám xét phẫu thuật cắt bỏ phần móng bị quặp để tránh tái phát.
- Có thể lót một miếng bông gạc y tế giữa móng và phần thịt ngón để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Người bệnh cần nhẹ nhàng khi mang các giày dép bít ngón, tuyệt đối tránh các loại giày quá chật khiến ngón chân khó chịu và hạn chế chạy nhảy vận động mạnh.
Giai đoạn 2 và 3
- Trong giai đoạn này, ngón chân sưng đã sưng đau trầm trọng, có tiết dịch hoặc mủ. Móng chọc sâu vào phần thịt. Người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình hoặc phẫu thuật tạo hình càng sớm càng tốt.
- Nếu bị nóng sốt, phải nhập viện gấp vì có thể đó là dấu hiệu của nhiễm trùng toàn thân, tiên lượng nặng.
- Bạn cần được khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm đã đề cập nhằm đánh giá chính xác mức độ tổn thương. Người bệnh sẽ được giải thích các phương án điều trị dứt điểm, dự phòng nhằm tránh tái phát, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường.
- Kháng sinh và kháng viêm là cần thiết ở giai đoạn này.
- Nếu tình trạng viêm nhiễm đã biến chứng thành áp xe hoá, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật rạch tháo ổ mũ, nạo viêm và điều trị kháng sinh mạnh và cắt bỏ một phần móng đến tận gốc móng để tránh tái phát.
- Tiểu phẫu cắt móng quặp có thể thực hiện tại phòng tiểu phẫu hoặc tại phòng mổ tùy thuộc vào yêu cầu của bệnh nhân và chỉ mất khoảng 15-20 phút. Người bệnh được gây tê tại chỗ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy bỏ toàn bộ phần móng quặp bao gồm phần móng, gốc móng dưới da và giường móng để tránh tái phát. Nếu không được cắt lấy sâu xuống phần gốc móng và giường móng thì tỷ lệ tái phát có thể lên đến trên 90% trong vòng 6-12 tháng.
Chăm sóc
Hãy đến gặp bác sĩ nếu người bệnh có:
- Dấu hiệu nhiễm trùng (mủ hoặc dịch chảy ra, đau dữ dội hoặc đỏ) hoặc tái phát nhiều lần.
- Tuần hoàn kém.
- Đã thử dùng thuốc kháng sinh tại chỗ, ngâm và tự chăm sóc nhưng ngón chân vẫn đau.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa tình trạng móng chọc thịt, cần lưu ý những điều sau:
- Cắt móng chân thẳng, không cắt quá ngắn hay sát rìa màu hồng của thân móng, tốt nhất nên chừa lại khoảng 1 mm để móng mọc theo nếp cũ.
- Mang giày vừa chân không quá chặt, đặc biệt là khi tham gia các môn thể thao.
- Nếu bạn có thói quen mang tất thường xuyên, nên chọn các loại tất vừa chân, không quá chật.
- Nếu người bệnh trong giai đoạn dậy thì, hãy thường xuyên thay giày mới phù hợp với sự phát triển kích thước của bàn chân.
- Bệnh nhân đái tháo đường hoặc giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ trung bình hoặc nặng cần kiểm tra bàn chân thường xuyên. Khi có dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.