Huyết áp là lực của máu tác động lên thành mạch máu, mức bình thường khoảng 120/80 mmHg, dưới 90/60 mmHg là thấp.
Phân loại bệnh
Huyết áp thấp bệnh lý gồm tụt huyết áp cấp (với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ngất) và huyết áp thấp mạn tính.
Huyết áp thấp mạn tính lại được chia thành hai loại gồm nguyên phát (do giảm trương lực thần kinh mạch máu) và thứ phát (triệu chứng của bệnh khác như thiếu máu, viêm họng mãn, viêm đường mật...).
Triệu chứng
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu, khó thở...
- Khó giữ thăng bằng, đổ mồ hôi, thở nhanh và nông.
- Trường hợp nặng có thể buồn nôn, nôn, lú lẫn, mất ý thức hoặc ngất xỉu.
- Đôi khi, huyết áp quá thấp có nguy cơ dẫn đến một tình trạng được gọi là sốc với các triệu chứng: lú lẫn (thường gặp ở người lớn tuổi), da lạnh, xanh xao, thở nhanh và nông, rối loạn nhịp...
Nguyên nhân
- Căng thẳng về cảm xúc: quá căng thẳng, sợ hãi quá mức, bất an hoặc quá đau đớn...
- Hạ huyết áp tư thế đứng.
- Hạ huyết áp sau bữa ăn khoảng 1-2 giờ.
- Bệnh hệ thần kinh trung ương.
- Mất máu hoặc mất nước.
Chẩn đoán
- Đo huyết áp: Thực hiện bằng máy đo cơ hoặc máy đo huyết áp điện tử.
- Xét nghiệm máu.
- Điện tâm đồ: Giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc tim, nhịp tim, khả năng co bóp bơm máu của tim.
- Siêu âm tim.
Biến chứng
- Gây sảy thai nếu người bệnh mang thai.
- Tai biến mạch máu não.
- Nhồi máu cơ tim.
- Suy giảm trí nhớ.
- Nhịp tim nhanh.
- Đột quỵ.
Điều trị
Nếu không có triệu chứng, hoặc chỉ là triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như những đợt chóng mặt ngắn khi đứng lên, huyết áp thấp thường không cần điều trị.
Khi người bệnh có dấu hiệu rõ rệt, phương pháp điều trị tốt nhất phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các bác sĩ sẽ tìm cách giải quyết nguyên nhân (rối loạn nguyên phát) gây huyết áp thấp, chẳng hạn như mất nước, suy tim, nhiễm trùng, bệnh đái tháo đường, suy giáp... Nếu bạn bị huyết áp thấp do uống một số loại thuốc, bác sĩ sẽ thay đổi liều lượng hoặc ngừng hoàn toàn loại thuốc đó.
Trường hợp không rõ nguyên nhân gây ra huyết áp thấp, mục tiêu trong điều trị là ổn định huyết áp và giảm các triệu chứng. Tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và loại huyết áp thấp, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp như: thêm muối vào khẩu phần hơn nhưng phải dưới sự kiểm soát của bác sĩ (không được bổ sung quá nhiều vì có thể dẫn tới suy tim), uống nhiều nước hơn (chất lỏng làm tăng thể tích máu và ngăn ngừa mất nước, cả hai đều quan trọng trong việc điều trị hạ huyết áp), mang vớ nén (giúp cải thiện lưu lượng máu từ chân đến tim) và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa
- Ăn uống cân bằng: Thiếu chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến huyết áp tụt. Nên ăn đa dạng các loại vitamin, khoáng chất từ rau xanh, hoa quả hay ngũ cốc để cơ thể đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Uống đủ nước: Mất nước đôi khi có thể dẫn đến huyết áp thấp.
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu: Thức uống có cồn có khả năng dẫn đến mất nước, tương tác với thuốc và gây hạ huyết áp.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ kém chất lượng làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất đều đặn góp phần ngăn ngừa hạ huyết áp thế đứng.
- Gối đầu cao: Huyết áp có thể giảm khi người bệnh ngủ. Các bác sĩ thường khuyến nghị những người này nằm gối cao khi ngủ.
- Thận trọng khi đứng lên: Tránh đứng dậy đột ngột sau khi ngủ dậy hoặc sau khi ngồi trong thời gian dài vì dễ gây hạ huyết áp, mờ mắt hoặc tăng nguy cơ ngất xỉu.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.