Hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể gặp khó khăn hay "thất bại" trong việc hấp thu các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thức ăn trong quá trình tiêu hóa. Hội chứng kém hấp thu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, cả trẻ em, người lớn, thường gặp nhất là ở trẻ tuổi ăn dặm, dưới 5 tuổi.
Hội chứng kém hấp thu xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, có thể khiến trẻ chậm phát triển thể chất, trí não, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hấp thu ở trẻ thường do các yếu tố sau:
- Chế độ ăn uống không phù hợp
Cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng. Giai đoạn này hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chưa thể hấp thu được các loại thức ăn. Không nên cho trẻ ăn lòng trắng trứng khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì trong lòng trắng có nhiều protein sẽ dễ gây dị ứng dẫn đến bệnh chàm, mề đay và các bệnh lý khác.
Chế độ dinh dưỡng không cân đối: Bố mẹ cho trẻ ăn nhiều chất sinh năng lượng như bột đường, chất đạm, chất béo nhưng ít vitamin và khoáng chất dẫn đến mất cân đối và gây rối loạn kém hấp thu ở trẻ.
- Rối loạn tiêu hóa: Khi ăn thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến tình trạng rối loạn kém hấp thu.
- Lạm dụng kháng sinh: Nhiều bố mẹ có thói quen sử dụng kháng sinh tùy tiện không theo chỉ định của bác sĩ. Tình trạng này làm rối loạn hệ cư trú của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, dẫn đến trẻ dễ mắc các bệnh về đường ruột và làm rối loạn kém hấp thu ở trẻ.
- Thiếu enzym: Enzym do tuyến nước bọt, gan tụy tiết ra giúp hệ tiêu hóa hấp thu thức ăn tốt hơn. Trẻ mắc các bệnh lý về các cơ quan này cũng dẫn đến tình trạng kém hấp thu.
- Thiếu men lactase: Có thể gây rối loạn tiêu hóa và không dung nạp đường lactose ở trẻ.
- Mắc một số bệnh lý làm tổn thương niêm mạc ruột: Là một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng kém hấp thu ở trẻ.
- Phẫu thuật cắt đoạn ruột: Ảnh hưởng đến tình trạng hấp thu của trẻ.
Triệu chứng
- Đối với trẻ nhỏ chỉ dùng sữa là thức ăn chính, nhận biết hội chứng kém hấp thu thông qua biểu hiện trẻ không dung nạp sữa. Trẻ thường thiếu men lactose nên không hấp thụ được đường lactose và dị ứng đạm sữa bò, dẫn đến tình trạng táo bón, đầy bụng, trẻ tiêu phân lỏng, mùi tanh...
- Với trẻ lớn hơn, bố mẹ quan sát trong bồn cầu có váng nổi trên mặt nước do mỡ không hấp thu, trẻ có xu hướng biếng ăn hoặc không thèm ăn, trẻ xanh xao, ốm yếu và rất thường xuyên đau chướng bụng. Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng kém hấp thu là tiêu chảy, có thể kéo dài nhiều ngày, tuy nhiên không phải xảy ra ở tất cả trường hợp.
Chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng kém hấp thu ở trẻ. Bố mẹ cho trẻ ăn nhiều chất sinh năng lượng như bột đường, chất đạm, chất béo nhưng ít vitamin, khoáng chất dẫn đến mất cân đối, rối loạn tiêu hóa và cuối cùng là kém hấp thu.
Trẻ dưới 12 tháng, hệ tiêu hóa còn non nớt, nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc cung cấp thức ăn không phù hợp với cơ thể rất có thể phá vỡ sự cân bằng sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh mà không có sự tư vấn của bác sĩ cũng là nguyên nhân dẫn đến hội chứng kém hấp thu. Tình trạng này làm rối loạn hệ cư trú của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, dẫn đến trẻ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa.
Chẩn đoán
- Trẻ nhỏ đi tiêu phân lỏng, mùi rất tanh. Đối với trẻ lớn, bố mẹ quan sát trong bồn cầu có váng nổi trên mặt nước do mỡ không hấp thu.
- Trẻ xanh xao, ốm yếu chậm tăng cân, suy dinh dưỡng hoặc chậm phát triển chiều cao.
- Trẻ thường xuyên bị đau bụng, chướng bụng hoặc sôi bụng
- Sút cân, mệt mỏi, kém linh hoạt.
- Giảm khẩu vị, chán ăn hoặc không có cảm giác thèm ăn.
- Trẻ có biểu hiện đau cơ, chuột rút do thiếu canxi, thiếu máu do thiếu sắt, đau cơ do thiếu vitamin B1.
- Những trường hợp trẻ kém hấp thu kéo dài có thể phù do giảm protein máu, da khô...
Điều trị
Khi phát hiện trẻ có triệu chứng kém hấp thu, người nhà cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cân đối cho trẻ theo sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Bổ sung vi chất dinh dưỡng theo chỉ định.
- Xổ giun định kỳ cho trẻ.
- Tăng cường vận động: Khuyến khích trẻ vận động, tham gia các hoạt động thể chất để tăng sự co bóp của ruột giúp trẻ ăn ngon miệng và tăng quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn.
Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ kém hấp thu ở trẻ, trẻ cần được khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bởi các chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý và hiệu quả. Xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn theo sở thích và thói quen ăn uống của trẻ, hướng dẫn chế biến món ăn khoa học, giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả hội chứng kém hấp thu ở trẻ.
Chăm sóc
Người nhà cần theo dõi sát sao để nhận biết biểu hiện kém hấp thu của trẻ càng sớm càng tốt để có thể can thiệp và xử trí kịp thời. Một số biện pháp dưới đây có thể giúp điều chỉnh tình trạng kém hấp thu của trẻ:
- Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, béo với số lượng vừa phải. Nên chế biến thức ăn thanh đạm, ít dầu mỡ.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Không nạp quá nhiều thức ăn trong mỗi bữa vì có thể dẫn đến giảm nhu động và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu của ruột.
- Uống đủ nước, bổ sung vitamin và khoáng chất theo đúng nhu cầu cơ thể trẻ cần theo sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn.
- Xổ giun định kỳ cho trẻ, 6 tháng một lần đối với trẻ trên 24 tháng.
- Khuyến khích trẻ vận động, tham gia các hoạt động thể chất để tăng sự co bóp của ruột giúp trẻ ăn ngon miệng và tăng quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn.
- Sau thời gian dùng thuốc kháng sinh, mẹ nên cho bé ăn thêm sữa chua và dùng men vi sinh giúp bổ sung lợi khuẩn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ giảm rối loạn tiêu hóa, cải thiện tình trạng đầy hơi, chướng bụng, kém hấp thu.
Với trẻ ở độ tuổi ăn dặm: mỗi khi thay đổi loại thức ăn mới, mẹ nên cho bé ăn lượng ít một rồi tăng dần để bé quen. Nếu trẻ có biểu hiện kém hấp thu thì tạm ngừng rồi thử lại sau.
Một trong những lo lắng thường gặp của phụ huynh là lo sợ trẻ không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng khi bị kém hấp thu, nhất là các vitamin và khoáng chất. Do đó, nhiều phụ huynh tự ý mua, bổ sung vi chất cho con. Điều này có thể gây nguy hiểm vì nếu không có sự thăm khám và xét nghiệm cụ thể, bố mẹ rất khó biết được chính xác trẻ đang thiếu hay thừa vi chất gì. Bổ sung tùy tiện có thể đem đến tác dụng phụ không mong muốn cho trẻ.
Phòng ngừa
- Chế độ dinh dưỡng cân đối cho trẻ theo sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Bổ sung vi chất dinh dưỡng theo chỉ định.
- Xổ giun định kỳ cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ vận động.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.