Dậy thì sớm là hiện tượng trẻ có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Dậy thì là giai đoạn trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao và cân nặng kèm theo những thay đổi về tâm sinh lý, nội tiết.
Thời điểm dậy thì ở mỗi trẻ có thể khác nhau. Dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu xuất hiện ở bé gái 8-13 tuổi và bé trai 9-14 tuổi.
Tuổi dậy thì có ý nghĩa quan trọng đối với cả bé trai lẫn bé gái, đánh dấu cột mốc trẻ sẵn sàng trở thành người lớn, là tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến quá trình đó bị đẩy nhanh hơn gây ra hiện tượng dậy thì sớm.
Dậy thì sớm khiến trẻ phổng phao sớm nhưng rất nhanh sau đó sẽ bị chững lại, trẻ thấp lùn hơn trẻ cùng độ tuổi khá nhiều, tương ứng với bị mất "oan" 3 năm phát triển chiều cao. Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm còn phải đối mặt với rất nhiều hậu quả khác về sức khỏe, tâm sinh lý, các mối quan hệ xã hội.
Do đó, sự xuất hiện các dấu hiệu dậy thì sớm trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai luôn cần được theo dõi cẩn thận.
Trẻ dậy thì sớm có những biểu hiện của sự phát triển sớm dấu hiệu dậy thì. Bước đầu tiên là phải xác định xem liệu con có dậy thì trước tuổi hay không. Tiếp theo, cần tìm hiểu kỹ bất kỳ vấn đề liên quan đến chấn thương đầu, nhiễm trùng não hoặc sử dụng các loại kem, thuốc hay chế độ ăn uống bất thường. Đồng thời, nên biết đầy đủ thời điểm bắt đầu dậy thì ở bố mẹ và anh chị em vì điều này có thể cho thấy trẻ dậy thì sớm do tiền sử gia đình.
Tăng tốc độ phát triển theo đường tuyến tính cũng là một dấu hiệu của dậy thì sớm. Vì vậy các chỉ số như chiều cao, cân nặng, tốc độ tăng trưởng (cm/nam) và chỉ số BMI nên được ghi chép lại.
Dậy thì sớm ở bé trai và bé gái có những dấu hiệu nhận biết khác nhau. Trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, bố mẹ cần có sự quan tâm đúng mức và quan sát, lắng nghe cơ thể trẻ kịp thời để phát hiện sớm tình trạng này trước khi quá muộn.
Triệu chứng
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái
- Biểu hiện đầu tiên là mô vú bắt đầu phát triển. Lúc này, bé sẽ cảm thấy căng tức quanh vú, mô vú lớn dần.
- Dấu hiệu thứ hai cho biết bé đang bước vào giai đoạn tiền dậy thì là lông ở các vùng kín như nách, mu... dần xuất hiện. Ở giai đoạn này, lông dài, mảnh và nhạt màu.
- Dấu hiệu tiếp theo là sự xuất hiện của dịch âm đạo. Đây là dịch nhầy trong, không mùi, là một dấu hiệu sinh lý bình thường. Dấu hiệu này cho thấy chức năng sinh dục của trẻ đang dần hoàn thiện để có thể mang thai và làm mẹ sau này. Sau khi bé có dịch âm đạo khoảng 6 tháng, kỳ kinh đầu tiên sẽ xuất hiện.
- Nổi mụn.
- Cơ thể có "mùi" lạ.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai
- Lông ở các vùng kín như nách, mu... của trẻ dần xuất hiện. Tuy nhiên, lông chưa đậm màu mà dài và mảnh. Ria mép cũng dần xuất hiện nhưng rất mảnh và thưa thớt.
- Ở giai đoạn tiền dậy thì, mô vú của khoảng 50% bé trai có thể phát triển khiến các bé cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, hiện tượng này thường biến mất trong vòng 6 tháng.
- Dấu hiệu tiếp theo là cơ quan sinh dục của trẻ bắt đầu phát triển với biểu hiện như tinh hoàn to lên nhiều hoặc kích thước không đều ở hai bên; Da bìu mỏng hơn và đỏ hơn trong khi dương vật chưa có dấu hiệu thay đổi nhiều...
- Giọng nói khàn đi (vỡ giọng).
- Có thể có những đêm mộng tinh - xuất tinh trong khi ngủ.
- Nổi mụn.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán dậy thì sớm, các bác sĩ hỏi một số câu hỏi và thực hiện một số xét nghiệm. Bao gồm:
- Khám sức khỏe để đánh giá bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể
- Tiền sử gia đình để tìm hiểu xem liệu dậy thì sớm có thể xảy ra trong gia đình hay không
- Xét nghiệm máu để kiểm tra hormone của trẻ và đôi khi là mức độ tuyến giáp
- Chụp X-quang, thường là bàn tay và cổ tay, để kiểm tra tuổi xương của trẻ; đây là một cách để biết chúng phát triển nhanh như thế nào và liệu chiều cao cuối cùng của người trưởng thành có thể bị ảnh hưởng hay không.
- MRI não đôi khi được bác sĩ chỉ định để loại trừ các vấn đề y tế có thể gây ra dậy thì sớm trung ương, chẳng hạn khối u. MRI không áp dụng đối với hầu hết trẻ em, trừ một số trường hợp như trẻ dưới 6 tuổi hoặc trẻ có các triệu chứng khác.
- Siêu âm - ví dụ ở buồng trứng - có thể hữu ích trong một số trường hợp.
Điều trị
Dậy thì sớm trung ương
Các loại thuốc có chức năng tương tự GnRH là phương pháp điều trị căn bản. Cơ chế hoạt động của thuốc là ngăn chặn các hormone có nguồn gốc từ tuyến yên kích thích tuổi dậy thì.
Trong tháng đầu tiên, các dấu hiệu dậy thì sớm có thể trở nên rõ ràng hơn, sau đó biến mất. Ở bé gái, ngực sẽ thu nhỏ lại sau 6-12 tháng điều trị, một số trường hợp biến mất.
Các tác dụng phụ thường nhẹ, bao gồm đau đầu, các triệu chứng mãn kinh và áp xe tại chỗ tiêm. Hầu hết trẻ em cần điều trị đều được tiêm hàng tháng vào cơ hoặc tiêm hằng ngày dưới da. Một số trường hợp được cấy ghép, tức là đặt những ống nhỏ dưới da, thường ở cánh tay. Chúng dần dần giải phóng thuốc vào cơ thể.
- Thuốc xịt mũi được dùng hằng ngày.
- Progestin: Tiêm progestin từng là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho dậy thì sớm trung ương. Chúng kém hiệu quả hơn nhóm thuốc tương tự GnRH.
- Các phương pháp điều trị khác: Phẫu thuật và xạ trị có thể cần thiết trong trường hợp dậy thì sớm trung ương do khối u não gây ra. Tuy nhiên việc loại bỏ khối u không phải lúc nào cũng giải quyết được tất cả các triệu chứng.
Dậy thì sớm ngoại biên
Điều trị như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân. Một số trường hợp cần phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc nang từ buồng trứng hoặc tinh hoàn. Một số trường hợp có thể dùng thuốc.
Những phương pháp điều trị dậy thì sớm này sẽ phụ thuộc vào từng trẻ và mức độ phát triển của chúng. Sau khi bắt đầu điều trị, quá trình giám sát diễn ra sau mỗi 1-3 tháng, đáp ứng điều trị sẽ thay đổi theo độ tuổi bắt đầu điều trị.
Cuối cùng, trẻ dậy thì sớm là tình trạng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bố mẹ nên quan tâm đến trẻ để nhận ra các dấu hiệu dậy thì sớm và điều trị kịp thời để giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường.
Nguyên nhân
Hầu hết trường hợp khó xác định nguyên nhân trẻ dậy thì sớm, đặc biệt với bé gái. Tuy nhiên dựa vào căn nguyên, dậy thì sớm thường được chia thành hai nhóm:
Dậy thì sớm trung ương
Dậy thì sớm trung ương phụ thuộc vào hormone GnRH. Loại dậy thì sớm này thể hiện sự phát triển dậy thì thật sự do sự trưởng thành và do kích hoạt trục hạ đồi - tuyến yên (HPG) sớm.
Nguyên nhân phổ biến ở nữ giới là vô căn, còn ở nam giới là do bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Những nguyên nhân đó thường được quy về những nhóm khác nhau. Phổ biến nhất là:
- Có các khối u ở hệ thần kinh trung ương: U lành mô thừa ở vùng hạ đồi, u thần kinh đệm thị giác, nang màng nhện, u tế bào hình sao, u màng não thất, não úng thủy, u tuyến tùng... Tổn thương não phổ biến gây dậy thì sớm trung ương là u lành mô thừa.
- Chấn thương ở hệ thần kinh trung ương: Chấn thương đầu, chiếu xạ sọ não, bại não, nhiễm trùng (ví dụ như viêm màng não do lao).
- Các yếu tố về di truyền - gene: Đột biến mất chức năng mã hóa gene MRF3, đột biến tăng chức năng mã hóa gene kisspeptin (KISS1) và gene thụ thể (KISSR) - các gene này chịu trách nhiệm kích thích và ức chế giải phóng hormone GnRH.
- Mắc một số hội chứng như: U sợi thần kinh loại 1, hội chứng Sturge Weber, u xơ củ.
- Do môi trường: Tỷ lệ hiện mắc ở nhóm này đang tăng đáng kể, cơ chế chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng một số chuyên gia cho rằng dinh dưỡng rối loạn và tiếp xúc với các hóa chất có thể gây rối loạn nội tiết.
- Do tiền sử gia đình.
Dậy thì sớm ngoại biên
Dậy thì sớm ngoại biên không phụ thuộc vào hormone GnRH. Nguyên nhân là do cơ thể tăng sản xuất các hormone sinh dục từ các nguồn nội sinh hoặc ngoại sinh và độc lập với sự tiết hormone GnRH. Dạng này ít gặp hơn so với dậy thì sớm trung ương. Một số nguyên nhân phổ biến gồm:
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh hoặc u thượng thận.
- Hội chứng McCung-Albright: Gây ra bởi đột biến dẫn tới kích hoạt gene GNAS 1 dẫn tới tăng sự hình thành cAMP và tăng chức năng của tất cả thụ thể của cAMP.
- Hội chứng Van Wyk và Grumbach, bao gồm: Suy giáp, u nang buồng trứng và dậy thì sớm ở tuổi vị thành niên (suy giáp nguyên phát không được chữa trị sẽ dẫn đến tăng hoạt động ở tuyến yên và dẫn đến dậy thì sớm).
- Các khối u ở tuyến sinh dục: U tế bào Leydig hoặc Sertoli - dẫn đến tăng sản xuất androgen; u tế bào mầm - dẫn đến tăng sản xuất hormone hCG. Đây là nguyên nhân hiếm gặp của dậy thì sớm ngoại biên.
- Sử dụng hormone sinh dục ngoại sinh.
- Do tiền sử gia đình.
Chăm sóc
Trẻ có rất nhiều câu hỏi về những gì đang xảy ra với cơ thể mình; bạn cùng lớp nói những điều gây tổn thương, thậm chí có thể là vô ý. Điều quan trọng là cha mẹ phải dành thời gian để lắng nghe mối quan tâm của con và trả lời các câu hỏi một cách tế nhị nhưng trung thực.
Cha mẹ nên giải thích rằng mọi người đều trải qua tuổi dậy thì vào một thời điểm khác nhau. Một số trẻ bắt đầu sớm và một số trẻ bắt đầu muộn hơn nhiều. Tuy nhiên, hãy nhấn mạnh rằng tất cả những thay đổi cơ thể này sẽ xảy ra với tất cả mọi người vào một thời điểm nào đó.
Dậy thì sớm đôi khi dẫn đến cảm xúc tình dục sớm. Cha mẹ hãy hiểu và cảm thông trước sự tò mò và bối rối của con về những thay đổi do sản xuất sớm các hormone liên quan đến giới tính. Tuy nhiên, hãy đặt ra ranh giới rõ ràng về các hành vi và giữ một cuộc đối thoại cởi mở với con trẻ.
Cha mẹ nên đối xử với con trẻ bình thường nhất có thể, tìm kiếm cơ hội để nâng cao lòng tự trọng. Khuyến khích con trẻ tham gia thể thao, nghệ thuật và các hoạt động khác, cùng với việc ghi nhận thành công trong lớp học, có thể giúp trẻ tự tin hơn.
Đừng ngần ngại đưa trẻ đến gặp chuyên gia tư vấn để học các chiến lược đối phó. Con bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn khi nói về một số điều cá nhân với nhà trị liệu, thay vì với cha mẹ, ít nhất là trong thời gian đầu.
Phòng ngừa
Phần lớn nguy cơ dậy thì sớm có liên quan đến giới tính, chủng tộc và tiền sử gia đình cũng như các nguyên nhân khác mà không thể tránh khỏi. Vì vậy cha mẹ nên hạn chế những gì có thể làm để ngăn ngừa tình trạng này.
Tránh cho trẻ dùng thuốc nội tiết tố theo toa, thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác có thể chứa estrogen hoặc testosterone, trừ khi được bác sĩ kê đơn hoặc chỉ định.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.