Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm. Tỷ lệ cơn đau vùng đầu thay đổi theo từng vùng địa lý, nhưng nó vẫn luôn là một trong các vấn đề sức khỏe thường gặp.
Đau đầu thường xuất hiện ở vùng đầu và mặt, thỉnh thoảng đau ở vùng cổ trên cũng được xếp vào nhóm đau đầu. Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu, đau tại một vị trí nhất định hoặc lan tỏa ra khắp đầu.
Đau nhức đầu có nhiều cường độ và tính chất khác nhau. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ, đau dữ dội, đau nhói hoặc đau châm chích ở đầu. Cơn đau phát triển dần hoặc đột ngột, kéo dài từ vài phút đến vài ngày.
Nguyên nhân
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát.
Đau đầu nguyên phát
Đau đầu nguyên phát chiếm 90% nguyên nhân gây đau. Đau đầu nguyên phát không do nguyên nhân thực thể, không do tổn thương cấu trúc não bộ. Nhóm đau đầu nguyên phát bao gồm nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là đau nửa đầu Migraine, đau do căng cơ, đau từng cụm, các loại đau đầu nguyên phát khác như đau khi gắng sức, khi ngủ, đau nửa đầu liên tục...
Hoạt động hóa học trong não, các dây thần kinh hoặc mạch máu xung quanh hộp sọ hoặc các cơ ở vùng đầu cổ có thể đóng vai trò trong chứng đau đầu nguyên phát.
Một số cơn đau nguyên phát có thể được kích hoạt bởi các yếu tố lối sống, bao gồm uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa caffein; có sự thay đổi trong việc ăn uống, ngủ nghỉ; có chuyện đau buồn, lo lắng; căng thẳng; đứng, ngồi sai tư thế ảnh hưởng lên mắt, cổ hoặc lưng; ánh sáng mạnh, tiếng ồn hoặc thời tiết thay đổi.
Tình trạng đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Bác sĩ Minh Trung cho biết, hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng đau nửa đầu đều có các thành viên khác trong gia đình mắc bệnh. Khi cả cha và mẹ đều có tiền sử mắc chứng đau nửa đầu thì 70% khả năng con của họ cũng sẽ mắc chứng bệnh này.
Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát là cơn đau do một bệnh lý cụ thể gây ra, bao gồm:
- Đau do bệnh thần kinh như chấn thương sọ não, u não, bệnh màng não - mạch máu não, hội chứng tăng áp lực nội sọ...
- Đau do bệnh toàn thân: Say nóng, say nắng, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, nhiễm độc...
- Đau do bệnh nội khoa: Bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết, thiếu máu...
- Đau do các bệnh chuyên khoa khác: Bệnh về mắt, tai mũi họng, cơ xương khớp, nha khoa...
Triệu chứng
Cơn đau đầu có biểu hiện như thế nào tùy thuộc vào loại đau đầu người bệnh gặp phải. Hiện nay có đến hơn 150 loại đau nhức đầu khác nhau. Triệu chứng của một số loại đau đầu phổ biến như sau:
Triệu chứng đau đầu căng cơ
Người bệnh bị nhức đầu từ nhẹ đến vừa, cảm giác đầu bị bó, kẹp như có một dải băng quấn căng quanh đầu. Tình trạng đau căng đầu xảy ra ở cả hai bên đầu và thường xuất hiện trong thời gian ngắn.
Triệu chứng đau nửa đầu
- Người bệnh bị đau đầu từ vừa đến nặng. Cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên đầu, cảm giác dồn dập, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn khi cơn đau xảy ra.
- Người bị đau nửa đầu thường nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng và mùi.
- Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và lặp lại thường xuyên.
Triệu chứng đau từng cụm
Cơn đau nhức nhối bắt đầu ở khu vực phía trong, phía sau hoặc xung quanh một mắt, kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ, có thể đi kèm với các triệu chứng sưng mắt, chảy nước mắt, sụp mí, nghẹt mũi, chảy nước mũi ở bên phần đầu bị ảnh hưởng.
Việc xác định người bệnh đang gặp phải chứng đau đầu nào là rất quan trọng để có phương án điều trị và ngăn ngừa hiệu quả.
Nhóm nguy cơ
Đau đầu rất phổ biến và có thể xảy ra ở bất cứ người nào, nhiều nhất ở những nhóm sau:
- Tỷ lệ xuất hiện cơn đau ở nữ thường cao hơn nam, đặc biệt là chứng đau nửa đầu. Đau nửa đầu có thể xuất hiện do sự thay đổi hormone sinh dục nữ. Cơn đau nhức dễ xảy ra vào thời điểm hành kinh và mãn kinh.
- Người thường xuyên sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích.
- Người hay bị căng thẳng, người hay lo lắng.
- Người thường xuyên làm việc với máy tính không nghỉ: nhân viên văn phòng, nhân viên thiết kế đồ họa vi tính, công nghệ thông tin...
- Người có bố, mẹ, anh chị em ruột bị mắc chứng đau nửa đầu.
Chẩn đoán
Bác sĩ hỏi người bệnh về các đặc điểm của cơn đau để chẩn đoán tình trạng đau đầu. Ngoài việc mô tả các triệu chứng lâm sàng của cơn đau, người bệnh cũng cần cung cấp cho bác sĩ tiền sử điều trị bệnh đau đầu trước đó cũng như các loại thuốc đã và đang sử dụng.
Sau khi nắm được các triệu chứng và đánh giá lịch sử y tế, bác sĩ sẽ tiến hành các bước thăm khám và xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây đau đầu.
Điều trị
Việc đầu tiên cần thiết nhất khi bị đau đầu là cần dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tránh căng thẳng tâm lý. Sau đó, tùy vào nguyên nhân gây đau nhức, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. Nếu cơn đau do một bệnh lý nào đó gây ra, phương pháp điều trị sẽ tập trung vào giải quyết bệnh lý gây đau đầu. Khi bệnh tình thuyên giảm, các cơn đau cũng sẽ dần biến mất.
Tuy nhiên, không phải khi nào cơn đau đầu cũng liên quan đến bệnh lý. Trong trường hợp này, cơn đau có thể nhanh chóng thuyên giảm và biến mất khi được điều trị bằng các biện pháp thích hợp như dùng thuốc, nghỉ ngơi, tập thiền, yoga...
Phòng ngừa
Để ngăn ngừa chứng đau đầu, cần tìm ra các yếu tố có khả năng kích hoạt cơn đau đầu. Chẳng hạn, một số người cảm thấy nhức đầu khi ngửi mùi nước hoa mạnh hoặc ăn một số loại thực phẩm nhất định (hạt điều, hành tây, chocolate...). Các yếu tố kích hoạt đau đầu ở mỗi người là khác nhau. Khi đã xác định được chúng, người bệnh có thể tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với chúng để phòng ngừa đau đầu. Bên cạnh đó, một số phương pháp khác cũng giúp phòng ngừa và hạn chế chứng đau đầu hiệu quả mà người bệnh có thể tham khảo như:
- Học cách quản lý căng thẳng: Hạn chế tối đa các tác nhân gây căng thẳng và sử dụng các phương pháp đối phó lành mạnh nếu gặp phải những căng thẳng không thể tránh khỏi.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất: ăn điều độ, không bỏ bữa, chú ý duy trì lượng đường trong máu ổn định.
- Uống đủ nước: Người bệnh cần bổ sung đủ nước, đặc biệt là trong những ngày nóng bức vì thiếu nước có thể khiến cơ thể choáng váng, mệt mỏi dẫn tới đau ở vùng đầu.
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ là nguyên nhân gây đau nhức đầu phổ biến. Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi đêm) sẽ giúp nâng cao năng lượng vào buổi sáng, giảm mệt mỏi, đau đầu và căng thẳng.
- Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất ba lần một tuần trong 30 phút có thể giúp giảm căng thẳng, giảm đau đầu và nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Hạn chế uống rượu, bia, các thức uống chứa chất kích thích như caffeine...
- Tạo khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn trong lúc làm việc để tránh đau đầu và chống mỏi mắt.
Nnhững cơn đau đầu thường diễn ra ở mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn, có thể được kiểm soát bằng các phương pháp đơn giản. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cơn đau đầu có mức độ rất dữ dội, khiến bạn khó tập trung làm việc và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày khác. Do vậy, nếu gặp phải tình trạng đau đầu thường xuyên, kéo dài hoặc rất dữ dội, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra.
Chăm sóc
- Ghi lại nhật ký đau đầu: Điều này hữu ích nếu người bệnh bị đau đầu rất thường xuyên. Một số cơn đau đầu có thể do một số loại thực phẩm hoặc các yếu tố giải trí gây ra. Trong nhật ký, hãy ghi lại mọi lần người bệnh bị đau đầu và những gì họ đã ăn và làm trước khi bị. Bằng cách này, có thể tìm ra nguyên nhân gây đau đầu nên tránh.
Một số điều đơn giản có thể giúp giảm đau đầu khi bị như:
- Thư giãn và hít thở sâu: tập yoga, massage, nghe nhạc, thiền...
- Đắp một miếng vải mát, ẩm lên trán hoặc mắt.
- Nằm thư giãn trong một căn phòng mát mẻ, tối và yên tĩnh.
- Một số điều đơn giản có thể giúp ngăn ngừa chứng đau đầu tái phát là:
- Không sử dụng thuốc giảm đau quá hai ngày trong một tuần để tránh bị đau đầu do lạm dụng thuốc
- Một số cơn đau đầu thường gặp do bữa ăn bị thiếu, không uống đủ nước...
- Uống quá ít hoặc quá nhiều caffeine.
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.