Cổ trướng (báng bụng) là tình trạng tích tụ dịch bất thường trong khoang màng bụng, nguyên nhân có thể do xơ gan, suy tim, suy thận, ung thư tại màng bụng...
Khoảng 85% nguyên nhân cổ trướng do xơ gan, 15% còn lại do các nguyên nhân khác. Xơ gan cổ trướng (báng bụng do xơ gan) là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân xơ gan phải nhập viện. Đây là biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh xơ gan.
Ở người bệnh xơ gan, áp lực tĩnh mạch cửa tăng do hậu quả của tình trạng tăng sức cản mạch máu trong gan và tuần hoàn hệ cửa - nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cổ trướng. Ngoài cổ trướng, bệnh nhân xơ gan có thể có các triệu chứng hoặc biến chứng khác ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong như vàng da, vàng mắt, tiểu vàng sậm, lòng bàn tay sao, sao mạch, phù chân, nữ hóa tuyến vú, teo cơ...
Người có bệnh gan mạn tính trước đó (như viêm gan B, C, viêm gan do rượu...), thậm chí không ghi nhận tiền sử bệnh gan trước, cần chú ý các dấu hiệu trên để thăm khám kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng ảnh hưởng sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân xơ gan cổ trướng gồm:
- Hàng đầu là viêm gan virus B hoặc C
- Bia rượu là nguyên nhân ngày càng hay gặp gây xơ gan ở Việt Nam, người có nhiễm viêm gan virus B hoặc C mạn tính mà uống nhiều bia rượu càng dễ bị xơ gan
- Ngoài ra, còn có các nguyên nhân: xơ gan do viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan tự miễn, xơ gan mật tiên phát hoặc thứ phát sau sỏi mật, viêm đường mật xơ hóa tiên phát, các bệnh chuyển hóa: rối loạn chuyển hóa đồng như Wilson, rối loạn chuyển hóa sắt như Hemochromatosis... Có thể gặp xơ gan do bệnh tim.
Triệu chứng
- Đau bụng, buồn nôn và khó thở do sự tích tụ của dịch ổ bụng gây ra. Dẫn đến hậu quả chán hoặc bỏ ăn.
- Buồn nôn.
- Phù tay, phù chân.
- Đỏ lòng bàn tay và bàn chân.
- Đau lưng.
- Khó khăn khi ngồi.
- Gặp những vấn đề về tiêu hóa như táo bón, khó tiêu...
- Có thể xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, đại tiện phân đen.
Chẩn đoán
Để đánh giá tình trạng cổ trướng, bác sĩ hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng, siêu âm bụng, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thậm chí chọc tháo dịch màng bụng để xét nghiệm...
Điều trị
Điều trị cổ trướng tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
- Đối với nguyên nhân cổ trướng do xơ gan, trước tiên người bệnh được khuyên hạn chế lượng muối trong ngày (khoảng dưới 2 g một ngày). Nếu đáp ứng kém việc hạn chế muối, người bệnh được điều trị kết hợp với liệu pháp lợi tiểu, hay tháo dịch màng bụng. Người bệnh có thế phải tháo dịch màng bụng được khi tình trạng cổ trướng căng (báng bụng lớn) gây khó chịu cho bệnh nhân.
- Bệnh nhân xơ gan với cổ trướng và người nhà cần theo dõi sát tình trạng đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy, ăn uống cũng như tuân thủ chế độ thuốc lợi tiểu theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì nếu người bệnh tự ý thay đổi liều thuốc lợi tiểu rất dễ xảy ra rối loạn các chất điện giải như natri và kali trong máu.
- Người bệnh xơ gan cổ trướng có nguy cơ nhiễm trùng dịch màng bụng. Nếu có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, sốt, tiêu chảy, lơ mơ, ngủ gà hay tiểu ít... cần phải thăm khám kịp thời nhằm điều trị kịp thời. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng nặng khác của xơ gan như bệnh não gan hay hội chứng gan thận làm tăng nguy cơ tử vong.
Chăm sóc
Bệnh nhân xơ gan cổ trướng không cần phải ăn một chế độ kiêng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, người bệnh cần đảm bảo tốt việc hạn chế muối trong chế độ ăn giúp kiểm soát cổ trướng hiệu quả hơn. Lượng muối mà người bệnh được khuyến khích ăn khoảng 2.000-4.000 mg mỗi ngày.
Người bệnh cũng cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, vitamin và chất xơ. Ngoài ra, có thể ăn những thực phẩm hỗ trợ sức khỏe khác như:
- Thực phẩm giàu Beta-carotene
- Thực phẩm chứa Omega-3 fatty acids
Phòng ngừa
Xơ gan cổ trướng là bệnh mạn tính nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách hạn chế rượu bia và lối sống lành mạnh. Người mắc các bệnh gan mạn tính như viêm gan virus B, C... cần được quản lý theo dõi và khám định kỳ 6 tháng một lần.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.