Chứng không dung nạp thực phẩm là tình trạng khiến đường ruột trở nên nhạy cảm với một số loại thực phẩm và không thể dung nạp chúng. Khi ăn những thực phẩm này, cơ thể sẽ gặp phải các triệu chứng khó chịu như nôn mửa, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và đau đầu trong vòng vài tiếng sau khi ăn.
Theo Medical News Today, tình trạng không dung nạp thực phẩm phổ biến hơn hội chứng ruột kích thích (IBS). Trên thế giới, ước tính khoảng 15-20% dân số được chẩn đoán mắc chứng bệnh này.
Chứng không dung nạp thực phẩm không gây ra phản ứng như dị ứng thực phẩm nhưng có xu hướng kéo dài suốt đời. Đặc biệt, tình trạng này còn khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tiêu hóa một số loại thức ăn, thiếu hụt dinh dưỡng; từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Nguyên nhân
Theo Cleveland Clinic, những người không dung nạp thực phẩm thường không tạo ra đủ lượng enzym mà hệ tiêu hóa cần để phân hủy thực phẩm. Ngoài ra, một số bệnh lý về đường tiêu hóa như celiac, viêm ruột hoặc viêm loét đại tràng cũng có thể khiến cơ thể dễ bị mẫn cảm với thức ăn.
Tình trạng không dung nạp thực phẩm thường dễ bị nhầm lẫn với dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khẳng định hai bệnh lý này không liên quan đến nhau. Bởi vì dị ứng thực phẩm là sự phản ứng của hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, tình trạng không dung nạp thực phẩm liên quan đến hệ tiêu hóa. Các triệu chứng không dung nạp thực phẩm sẽ có xu hướng xuất hiện lâu hơn dị ứng thực phẩm. Do đó, người không dung nạp thực phẩm có thể tiêu thụ một lượng nhỏ thức ăn mà không xuất hiện triệu chứng và có thể ngăn chặn các cảm giác khó chịu do bệnh gây ra.
Triệu chứng
Khó xác định, phân biệt giữa bệnh nhân bị dị ứng hay không dung nạp thực phẩm. Các dấu hiệu và triệu chứng thường trùng lặp. Tuy nhiên, khi bị dị ứng, một lượng nhỏ thực phẩm cũng có thể dẫn đến các triệu chứng. Còn với không dung nạp thực phẩm, nếu bệnh nhân chỉ ăn một lượng nhỏ thực phẩm thường sẽ không gây triệu chứng.
So với dị ứng thực phẩm, các triệu chứng không dung nạp thực phẩm thường mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện. Triệu chứng khởi phát thường xảy ra vài giờ sau khi ăn và có thể tồn tại trong vài giờ hoặc vài ngày. Một số trường hợp, các triệu chứng có thể mất 48 giờ để xuất hiện.
Những người bị không dung nạp thực phẩm thường có các biểu hiện sau vài giờ đến vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm không dung nạp. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi đầy hơi, chuột rút, ói mửa, ợ nóng, nhức đầu, khó chịu hay căng thẳng, mệt mỏi, các vấn đề về da...
Chẩn đoán
Để chẩn đoán, bác sĩ thường khám lâm sàng và hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh, các loại thực phẩm đã ăn và triệu chứng. Trong trường hợp cần thiết, tùy vào biểu hiện lâm sàng của mỗi người bệnh, bác sĩ chỉ định một vài xét nghiệm chuyên sâu để sàng lọc hoặc loại trừ những nguyên nhân khác. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh ghi nhật ký thực phẩm và các triệu chứng chi tiết.
Điều trị
Tùy vào nguyên nhân và loại thực phẩm mà người bệnh không dung nạp được, bác sĩ đề xuất một chế độ ăn kiêng. Chẳng hạn, ngừng ăn các loại thực phẩm là tác nhân gây không dung nạp thực phẩm phổ biến như đường lactose, lúa mì, gluten, caffeine, histamin có trong nấm, dưa chua và thực phẩm chữa bệnh, phụ gia như chất làm ngọt nhân tạo, phẩm màu hoặc hương liệu khác... Thông thường, không dung nạp lactose là tình trạng phổ biến nhất.
Chăm sóc
Tất cả loại thực phẩm đều có nguy cơ không dung nạp với một người nào đó. Tuy nhiên, các loại thực phẩm có chứa đường (lactose) và gluten là thực phẩm không dung nạp thường gặp nhất.
Tùy vào loại thực phẩm bất dung nạp và mức độ biểu hiện triệu chứng mà cách chăm sóc hoặc hỗ trợ sức khỏe cho người bệnh có thể khác nhau. Ví dụ, trường hợp không dung nạp đường lactose xảy ra khi thiếu men lactase, đường lactose không được tiêu hóa trong ruột non, sữa đi xuống ruột già và bị lên men bởi các vi khuẩn ở đây gây ra hiện tượng đầy bụng, chướng hơi, tiêu lỏng... Hiện tượng này thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi dùng sữa.
- Không dung nạp lactose có thể do di truyền hoặc do tuổi tác, tổn thương ruột hoặc rối loạn tiêu hóa.
- Để cải thiện khả năng dung nạp lactose, nên tập sử dụng từng ít sữa mỗi lần và tăng dần lượng sữa khi cơ thể đã chấp nhận. Nên uống sữa trong bữa ăn với thức ăn đặc giúp hấp thu từ từ, hệ thống tế bào màng ruột được kích thích tiết men lactase tăng dần.
- Có thể thay bằng sữa không chứa lactose như sữa từ đậu nành, các loại sữa đã tách bỏ lactose. Sữa dê chứa ít lactose hơn và dễ tiêu hóa hấp thu hơn, hoặc sữa chua trong đó đường lactose đã bị các vi khuẩn lên men, chuyển hóa thành axit lactic trở nên dễ tiêu hóa, hấp thu hơn.
- Một số trường hợp rất hiếm gặp, trẻ bị bất dung nạp lactose bẩm sinh do thiếu hẳn enzyme lactase, trường hợp này phải cho dùng các sản phẩm không có lactose.
- Trẻ không dung nạp gluten có những biểu hiện biếng ăn, tay chân khẳng khiu, bụng căng phồng, mông teo tóp, hay đại tiện, phân nhiều và hôi, đồng thời trẻ thường cáu giận hoặc bơ phờ. Khi đó, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt cả về dinh dưỡng lẫn chăm sóc y tế.
- Với trẻ nhỏ hệ tiêu hóa còn non yếu chưa tiết đủ men tiêu hóa tinh bột. Do đó không nên cho trẻ ăn bột quá sớm, chỉ cho ăn khi trẻ được 6 tháng, cơ thể trẻ bắt đầu khỏe mạnh hơn và có thể thích nghi dần dần với các thực phẩm có chứa gluten.
- Nên cho trẻ ăn một số loại ngũ cốc không có gluten như gạo, kê và bắp khi bắt đầu chuyển sang chế độ ăn dặm để tránh trường hợp không dung nạp gluten xảy ra khi cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.
Phòng ngừa
Tùy vào cơ địa nhạy cảm, một số người có tính không chấp nhận với bất kỳ thực phẩm nào như bia, rượu, cà phê, phụ gia thực phẩm...
Tính không chấp nhận thực phẩm phổ biến hơn so với tính dị ứng thực phẩm. Những triệu chứng của tính không chấp nhận thực phẩm thường chỉ thoáng qua, không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trong thực tế, ai cũng có khả năng có phản ứng với một vài loại thức ăn tại những thời điểm nào đó. Tuy nhiên, trẻ em, người cao tuổi, những người bị bệnh mạn tính... thuộc nhóm nguy cơ cao không dung nạp một hoặc nhiều loại thức ăn.
Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tìm ra loại thực phẩm không dung nạp và loại bỏ nó ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày, sử dụng thực phẩm thay thế hoặc tập thích nghi với loại thức ăn đó.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.