Lao là một bệnh truyền nhiễm nặng lây từ người này sang người.
Bệnh lao được phân làm hai loại: lao phổi và lao ngoài phổi.
- Lao phổi chủ yếu liên quan đến tổn thương ở phổi - phế quản.
- Lao ngoài phổi là bệnh lao tổn thương ở các cơ quan ngoài phổi như: màng phổi, hạch, màng bụng, sinh dục tiết niệu, da, xương, khớp, màng não, màng tim. Bệnh lao ảnh hưởng đến xương, cột sống hoặc khớp gọi là bệnh lao xương.
Bệnh lao xương do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khu vực xương nào trên cơ thể, tuy nhiên phần cột sống chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Trước đây, bệnh lao xương tương đối hiếm gặp, nhưng trong vài thập kỷ gần đây căn bệnh này khá phổ biến do sự lây lan của bệnh AIDS. Bệnh lao xương rất khó chẩn đoán và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Đối tượng bệnh
Những người dễ mắc lao xương khớp:
- Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng lao bằng vaccine BCG.
- Tiếp xúc với nguồn lây, đặc biệt là nguồn lây chính, nguy hiểm, tiếp xúc thường xuyên liên tục.
- Đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi hay một lao ngoài phổi khác.
- Có thể mắc một số bệnh có tính chất toàn thân như đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, cắt 2/3 dạ dày.
- Cơ thể suy giảm miễn dịch, còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS, suy kiệt nặng.
Triệu chứng
Lao xương rất khó nhận ra cho đến khi các triệu chứng của bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn. Ở giai đoạn đầu, lao xương không gây đau, không có bất cứ triệu chứng nào. Một số triệu chứng đáng chú ý của bệnh lao xương bao gồm đau lưng dữ dội, sưng tấy, cứng và áp xe ở xương, viêm ở lưng hoặc ở khớp, khó di chuyển đi lại.
Khi bệnh lao xương tiến triển nặng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm biến chứng thần kinh, liệt nửa người, tê cứng tay chân, rối loạn thần kinh, viêm não do lao. Lao xương ở trẻ em khiến tay, chân trẻ ngắn hơn so với bình thường, dị tật xương, khó di chuyển đi lại...
Ngoài ra, người bị bệnh lao xương có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi dai dẳng, sốt, đổ mồ hôi đêm, giảm cân bất thường, chứng gù lưng hay dị tật ở cột sống.
Chẩn đoán
Các phương pháp phổ biến để chẩn đoán bệnh lao xương:
- Xét nghiệm vi khuẩn lao trong dịch hô hấp: Người bị lao xương có khả năng cao bị lao phổi. Do đó, bác sĩ thường lấy mẫu dịch hô hấp để xét nghiệm vi khuẩn lao trong đờm, dịch phế quản....
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp đánh giá mức độ tổn thương và lan rộng của bệnh trong xương và mô mềm xung quanh.
- Sinh thiết xương: Sinh thiết lấy mẫu mô từ xương hoặc khớp để xác định sự hiện diện của vi khuẩn lao qua soi kính hiển vi hoặc nuôi cấy vi khuẩn.
- Xét nghiệm vi khuẩn lao dịch khác của cơ thể: bác sĩ có thể hút dịch màng phổi để kiểm tra hoặc lấy dịch não tủy xung quanh tủy sống, dịch khớp để xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao xương.
Bệnh lao xương có thể gây đau đớn, tổn thương xương như viêm, áp xe. Những tổn thương này thường hồi phục khi được điều trị sớm với chế độ thuốc phù hợp. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây chết người.
Các phương pháp điều trị để đảo ngược tổn thương do lao xương bao gồm sử dụng thuốc chống lao, thuốc corticoid để ngăn ngừa các biến chứng như viêm quanh tủy sống hoặc tim. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được áp dụng để điều trị bệnh lao xương.
Điều trị
Hiện nay bệnh lao nói chung và lao xương khớp nói riêng có thể được chữa khỏi hoàn toàn với điều kiện chẩn đoán sớm và điều trị sớm đúng nguyên tắc.
Điều trị lao xương khớp bao gồm điều trị cơ bản theo đường toàn thân (tức điều trị nguyên nhân gây bệnh) và điều trị phối hợp.
- Điều trị cơ bản tức là dùng thuốc chống lao theo phác đồ điều trị để tiêu diệt vi khuẩn lao.
- Các biện pháp điều trị phối hợp, tức là điều trị các loại bệnh khác hoặc kết hợp nghỉ ngơi, thậm chí phẫu thuật để loại bỏ tổn thương, chỉnh hình...
Cần để khớp nghỉ tương đối ở giai đoạn đầu chừng 4-5 tuần bằng cách nằm trên giường cứng, không nên nằm trên đệm mềm, cũng không cần bó bột bất động tuyệt đối như cách điều trị trước đây. Sau đó, tập vận động khớp để tránh cứng khớp. Một số trường hợp phải can thiệp ngoại khoa là khi có ổ áp xe lớn, chèn ép tủy do cột sống gấp khúc, đốt sống xẹp hoặc áp xe lạnh.
Chăm sóc
- Sau quá trình điều trị lao xương, bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi do sau quá trình sử dụng thuốc, cơ thể thường rất yếu ớt, thường xuyên mệt mỏi, tinh thần chán nản.
- Sau thời gian nghỉ ngơi và nằm quá lâu (khoảng 4-5 tuần đầu tiên trong quá trình điều trị), bệnh nhân nên hoạt động lại từ từ. Sau thời gian dài không hoạt động thì việc đi lại gặp nhiều khó khăn do khớp xương bị cứng. Đặc biệt, nếu vận động nhiều hoặc mạnh sẽ khiến khớp xương dễ bị tổn thương.
- Người bệnh cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống. Nên ăn thực phẩm giàu sắt, canxi, vitamin D, kẽm, omega 3 (hàu, thịt bò, trứng, cá hồi, sữa và chế phẩm từ sữa), rau xanh, trái cây tươi giúp xương chắc khỏe, tăng cường hệ miễn dịch. Chế biến món ăn đa dạng và thường xuyên thay đổi thực đơn để kích thích vị giác của người bệnh. Chia 3 bữa ăn chính thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày để hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
- Nên kiêng các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đường, muối, rượu bia, đồ hộp vì có thể gây kích ứng, sưng đỏ chỗ đau, ngăn hấp thụ canxi của xương, giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao, khiến vết thương lâu lành.
Phòng ngừa
Lao xương rất dễ phát triển trong điều kiện hệ miễn dịch suy giảm, vì thế cần duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Trong đó, bác sĩ luôn khuyến khích rèn luyện thể thao hàng ngày, ăn uống đủ chất để sức khỏe ổn định hơn. Hạn chế tối đa sử dụng chất kích thích, đồ uống chứa cồn. Nên bổ sung dưỡng chất thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả.
Bệnh lao xương có nguy cơ lây truyền qua đường hô hấp nên cố gắng hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân. Nếu không may tiếp xúc gần với người bệnh trong một thời gian dài, bạn cần đến viện kiểm tra, tầm soát để phát hiện nguy cơ lây nhiễm bệnh từ sớm.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.