Thận đóng vai trò thiết yếu trong qua trình lọc chất thải, loại bỏ lượng nước và axit dư thừa, trong khi duy trì sự cân bằng giữa các khoáng chất, nước và muối trong máu. Đối với các bệnh nhân mắc suy thận mạn, việc duy trì chức năng thận rất quan trọng. Một trong những khuyến cáo thường đường các bác sĩ đưa ra là bệnh nhân nên cắt giảm lượng muối ăn.
Muối ăn có công thức hoá học NaCl, bao gồm hai thành phần chính là natri và chlorua. Cơ thể con người cần cả hai chất này để hoạt động, tuy nhiên việc dư thừa natri sẽ tạo nên gánh nặng cho thận.
Natri có trong muối ăn hàng ngày, đồng thời cũng nằm trong nhiều loại thực phẩm khác như bánh mì, thịt nguội, nước xốt, đồ ăn vặt... Theo các chuyên gia, một chế độ ăn uống lành mạnh không nên quá 2.300mg natri mỗi ngày. Với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn, lượng natri nạp vào cơ thể thường khác nhau ở mỗi giai đoạn vì vậy sự tư vấn từ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng rất cần thiết.
Khi ăn các thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn hãy đọc kỹ thông tin dinh dưỡng trên bao bì và nhãn thực phẩm để biết khẩu phần và lượng natri chính xác.
Chế độ ăn kiêng natri rất quan trọng với người mắc bệnh thận mạn vì sẽ giúp cân bằng chất lỏng trong cơ thể, hỗ trợ chức năng thần kinh và cơ bắp. Theo CDC của Mỹ, natri cao cản trở quá trình đào thải nước của thận, từ đó có thể dẫn tới tình trạng tăng huyết áp. Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh thận.
Cắt giảm muối trong chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát bệnh thận mạn. Nếu thận không lọc kịp, natri và chất lỏng có thể tích tụ và gây ra các triệu chứng như phù nề ở mắt cá chân, khó thở, bọng mắt, tăng huyết áp, chất lỏng tích tụ xung quanh tim và phổi.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa việc ăn nhiều muối với suy giảm chức năng thận. Khảo sát trên 12.126 không mắc bệnh thận mạn tính cho thấy, lượng muối ăn cao dự đoán tình trạng suy thận trong tương lai. Mặc dù chức năng thận suy giảm theo thời gian, chế độ ăn nhiều muối có thể đẩy nhanh quá trình này.
Phân tích tổng hợp trên các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn vào năm 2018 cho thấy, chế độ ăn hạn chế natri đóng vai trò giúp giảm huyết áp, giảm protein, và albumnin (một loại protein trong máu).
Cách giảm muối trong chế độ ăn
Để khởi đầu chế độ ăn ít natri, việc thay đổi thói quen ăn uống là điều cần thiết. Theo các chuyên gia, phần lớn thực phẩm đóng gói đều có chứa natri, ngay cả khi chúng vị ngọt, vì vậy, hay giới hạn mức độ ăn những thực phẩm này bằng các xem kỹ bao bì, tìm thông tin về hàm lượng natri (sodium), chọn những thực phẩm chỉ chiếm 5% giá trị hàng ngày (daily value).
Ngoài việc chọn những món ăn ít natri, bạn có thể cắt giảm lượng muối hàng ngày bằng cách: mua thực phẩm tươi sống; tự nấu ăn; hạn chế đồ hộp, đồ chế biến sẵn; Thử nấu ăn không muối bằng cách sử dụng các loại gia vị như tỏi, bột ớt, là nguyệt quế... để gia tăng hương vị. Ngoài ra, hãy nêm nếm gia vị trong lúc nấu ăn, tránh thêm muối trong lúc ăn.
Thảo Miên