Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ, trong đó phổ biến nhất do từ thói quen ăn uống. Thiếu chất xơ, uống ít nước là hai trong nhiều yếu tố gây nên hiện tượng táo bón ở cả người lớn và trẻ em. Để giúp cải thiện các triệu chứng táo bón, dưới đây là những danh sách thực phẩm trẻ không nên ăn:
Cơm trắng
Quá trình tẩy trắng, xay xát gạo sẽ làm mất đi một số dưỡng chất giúp nhuận tràng, đặc biệt là chất xơ. Theo thống kê, một cốc gạo nguyên cám có chứa tới 8g chất xơ trong khi gạo tẩy trắng chỉ còn một nửa.
Thay vì chọn gạo trắng, hãy cho trẻ đang bị táo bón ăn gạo lứt. Nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra, chế độ ăn nhiều gạo lứt có hiệu quả trong việc giảm triệu chứng táo bón ở tốt hơn so với gạo trắng.
Bánh mì trắng
Bánh mì trắng là một trong những đồ ăn chứa nhiều tinh bột, đặc biệt là bột mì. Ở trẻ nhỏ, khi ăn bột mì qua chế biến sẽ khiến bé nặng bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ bị táo bón. Hơn nữa, ở trẻ không dung nạp bột mì có thể gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa khi ăn bánh mì như táo bón hoặc tiêu chảy.
Đồ ăn nhanh
Đây là món ăn phụ huynh không nên cho trẻ ăn nhiều và bao gồm cả lúc bị táo bón. Thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, gà rán, pizza... thường có nhiều chất béo, thiếu chất xơ. Bên cạnh đó, một số lại chứa thêm natri có thể gây háo nước, làm mất cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể trẻ, từ đó, càng khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém và triệu chứng táo bón ở trẻ thêm nặng.
Thịt qua chế biến
Các món ăn như xúc xích, thịt dăm bông, lạp xưởng... không chứa chất xơ, giàu chất béo và natri, cả hai đều có thể làm chậm quá trình tiêu hóa. Do đó, đây có thể là những món ăn tiện lợi cho trẻ nhưng không nên cho trẻ ăn quá nhiều, thay vào đó hãy tăng cường các sản phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây... cho bé.
Sữa và sản phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa như pho mát, phô mai, sữa tươi, sữa công thức... có thể góp phần gây nên tình trạng chậm tiêu hóa ở ruột do chứa nhiều canxi và protein. Nguyên nhân là do các thực phẩm này thường không chứa chất xơ, trẻ càng ăn sẽ khiến quá trình tiêu hóa kém, dẫn đến táo bón. Chưa kể đến một số sữa có đường còn chứa lactose có thể gây nên tình trạng đầy bụng ở trẻ.
Không giống như các sản phẩm chế biến từ sữa khác, sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, giúp trẻ có thói quen đi vệ sinh lành mạnh hơn.
Khoai tây chiên
Khoai tây chiên là món ăn vặt được nhiều trẻ yêu thích nhưng chúng ít chất xơ, giàu chất béo nên sẽ góp phần làm chậm quá trình tiêu hóa, dễ gây táo bón.
Phụ huynh có thể thay thế khoai tây chiên bằng trái cây tươi, rau quả, salad, các loại hạt hoặc bánh quy ít ngọt...
Kẹo ngọt
Các loại kẹo là một trong những đồ ăn có thể gây cản trở sự tiêu hóa ở bé. Nguyên nhân là do các loại kẹo bánh ngọt đa số đều chứa nhiều đường, chất tạo ngọt tổng hợp, chất bột, chất bảo quản mà lại không chứa chất xơ.
Nếu trẻ thích ăn ngọt, thay vì chọn những loại bánh kẹo sản xuất, hãy chọn các loại kẹo ít đường hoặc trái cây có vị ngọt tự nhiên để giúp trẻ ăn được nhiều chất xơ hơn.
Bảo Bảo (Theo Very Well Family)