Hệ vi khuẩn đường ruột có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, giúp kiểm soát hệ thống miễn dịch, chống lại một số tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, chúng còn giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và tăng cân, đồng thời có thể được kết nối với não, ảnh hưởng đến tâm trạng và bảo vệ con khỏi các rối loạn sức khỏe tâm thần như chứng tự kỷ hoặc trầm cảm.
Không giống như bộ gen được cố định từ lúc sinh, hệ vi sinh vật phần lớn sẽ bị thay đổi và ảnh hưởng bởi lối sống, môi trường. Thời thơ ấu và lúc trẻ đi học lớp mầm, cấu trúc chung của hệ vi sinh vật được thiết lập và đây là thời điểm "vàng" để can thiệp vào cấu trúc này. Dưới đây là một số cách giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột:
Ăn sữa chua
Sữa chua có chứa một lượng lớn lợi khuẩn probiotic rất tốt cho đường ruột. Theo nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, Mỹ, việc tiêu thụ các vi khuẩn sống hay còn gọi là vi khuẩn tốt như lợi khuẩn có trong sữa chua có thể làm giảm tần suất bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa ở trẻ em.
Sữa chua không đường tốt nhưng kém hấp dẫn trẻ, mẹ có thể cho thêm trái cây như dâu, xoài... để gia tăng hương vị cho con.
Củng cố hệ vi khuẩn tốt
Hệ vi sinh vật đường ruột phát triển mạnh nhờ chất xơ, carbohydrate phức hợp có trong thực vật. Nghiên cứu cho thấy, khi ở tình trạng đói, hệ vi khuẩn sẽ ăn chất nhầy ở lớp lót làm nhiệm vụ bảo vệ thành trong của đường ruột. Nếu vi khuẩn tấn công sát đường ruột hơn có thể ảnh hưởng hệ thống miễn dịch, dẫn đến tình trạng viêm âm ỉ, cuối cùng dẫn đến các rối loạn tự miễn dịch như bệnh viêm ruột, dị ứng và hen suyễn.
Cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại đậu có thể hỗ trợ sự phát triển của hệ vi sinh vật tốt, giúp cân bằng và tăng cường hệ tiêu hóa của bé.
Khử trùng có chọn lọc
Các quy tắc vệ sinh nghiêm ngặt thực sự có thể ngăn con tiếp xúc với các loại vi khuẩn khác nhau nhưng cũng có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch yếu hơn sau này. Các bậc phụ huynh đều muốn bảo vệ con mình khỏi các vi khuẩn gây bệnh như liên cầu khuẩn và E. coli bằng cách khử trùng mọi thứ mà con chạm vào. Tuy nhiên, cách này cũng gián tiếp giảm sự tiếp xúc của trẻ với các vi khuẩn tốt, cần thiết cho sự phát triển sức khỏe đường ruột.
Nhóm các nhà khoa học Thụy Điển phát hiện ra những trẻ được cho ngậm núm vú giả để tự làm sạch (thay vì khử trùng bằng nước sôi) ít có khả năng mắc bệnh chàm và hen suyễn hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể việc không khử trùng núm vú giả đã giúp tăng khả năng tiếp xúc của trẻ với vi khuẩn tốt, từ đó giúp củng cố hệ thống miễn dịch đang phát triển của chúng.
Tuy nhiên, để áp dụng cách làm này, cha mẹ cũng cần tạo một môi trường sống lành mạnh, trong xanh để tránh sự sinh sôi của vi khuẩn gây hại hơn là có lợi.
Tránh dùng kháng sinh không cần thiết
Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn một cách bừa bãi, trong đó bao gồm cả những vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa. Điều này có thể tác động lớn đến sức khỏe lâu dài của con hơn.
Nghiên cứu năm 2020 được thực hiện bởi Mayo Clinic đã tìm ra mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh ở trẻ dưới 2 tuổi với nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, bệnh celiac và tăng cân quá mức. Hệ quả này có thể là do sự thay đổi của thuốc kháng sinh với chức năng của hệ vi sinh vật trong cơ thể. Do đó, cha mẹ chỉ nên cho con uống kháng sinh khi thực sự cần thiết.
Hoạt động thể chất và ngủ điều độ
Hoạt động thể chất giúp làm giảm táo bón và cân bằng hệ đường ruột. Ngoài ra, chơi thể thao và di chuyển cũng là cách để con giải phóng năng lượng tích tụ.
Ngủ không đủ giấc cũng khiến hệ miễn dịch hoạt động chậm chạp và mất cân bằng đường ruột. Vì vậy, cha mẹ cần duy trì giấc ngủ cho con điều độ.
Bảo Bảo (Theo Parents)