Viêm họng là bệnh phổ biến, gây đau, ngứa hoặc rát cổ họng, thường xuất hiện vào mùa đông. Các nguyên nhân dẫn đến đau họng như nhiễm virus, nhiễm khuẩn, viêm amidan... Vào mùa hè, do nắng nóng, thói quen uống đồ lạnh, nằm quạt, điều hòa sai cách cũng có thể gây ra tình trạng này. Một số cách giúp giảm đau và các triệu chứng liên quan đến đau họng như súc miệng bằng nước muối; uống nước chanh, mật ong; dùng trà thảo mộc...
Mật ong là chất tạo ngọt, thường được kết hợp với các nguyên liệu tự nhiên khác như giấm táo, chanh, các loại thảo mộc. Nó còn được dùng làm thuốc chữa bệnh vì có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn.
Theo Medicinenet (Mỹ), uống mật ong với nước nóng hoặc nước chanh có thể giảm các triệu chứng viêm họng. Các nghiên cứu đã chỉ ra mật ong có một số đặc tính kháng khuẩn làm dịu cơn đau do nhiễm trùng, giảm ho. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trong trường hợp nhiễm vi khuẩn. Phụ huynh nên lưu ý tránh cho trẻ dưới một tuổi uống mật ong vì nó có thể gây ngộ độc.
Nước chanh là thức uống giải khát và hữu ích khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Chanh chứa vitamin C và các chất chống oxy hóa. Nó cũng làm tăng lượng nước bọt mà cơ thể sản xuất, giữ ẩm cho màng nhầy, phá vỡ chất nhầy và giảm đau. Vitamin C có rất nhiều trong chanh góp phần tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại nhiễm trùng. Bạn có thể pha một thìa cà phê nước cốt chanh vào một cốc nước ấm và uống để giảm đau nhanh hơn.
Bên cạnh nước chanh, mật ong thì giấm táo cũng là thành phần có trong các bài thuốc dân gian, được sử dụng từ rất lâu. Thành phần hoạt chất chính của nó là axit axetic có đặc tính kháng khuẩn. Những loại vi trùng này phát triển mạnh trong môi trường axit. Theo trang Healthline (Mỹ), giấm táo tạo ra môi trường kiềm trong cơ thể, có thể giúp tiêu diệt một số vi khuẩn và virus. Chất nhầy của người bệnh trở nên loãng và dễ dàng tống ra ngoài hơn khi dùng giấm táo. Bạn có thể uống một cốc nước ấm pha với một muỗng canh giấm táo và một muỗng canh mật ong.
Những người bị trào ngược axit, loét dạ dày hoặc thường xuyên bị ợ chua lưu ý khi uống nước chanh, giấm táo... Vì dùng quá nhiều có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Ngoài các phương pháp trên, bạn cũng dùng các loại trà thảo mộc để dịu cơn đau họng như trà đinh hương, trà xanh giúp chống nhiễm trùng và giảm đau; trà hoa cúc hoạt động như một chất bôi trơn để giảm khàn giọng. Trà bạc hà làm dịu cổ họng và trà mâm xôi giảm đau, viêm.
Các cách tự nhiên này có thể giúp giảm các triệu chứng đau họng. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh không cải thiện trong vài ngày hoặc trở nên tồi tệ hơn thì bạn nên đến bác sĩ. Viêm họng đi kèm với sốt cao, đau nhức cơ... cũng là những dấu hiệu nên thăm khám.
Kim Uyên
(Theo Medicinenet, Healthline)