Cả hai tình trạng này đều xảy ra đột ngột và dẫn đến thiếu lưu lượng máu giàu oxy cho các chức năng cần thiết của não và tim, gây tổn thương và chết tế bào.
Nhận biết đau tim
Đau tim, còn được gọi là nhồi máu cơ tim, xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm hoặc ngừng nghiêm trọng. Điều này có thể xảy ra do sự tích tụ của các mảng bám trong mạch máu khiến mạch máu trở nên hẹp hơn. Sự tắc nghẽn chủ yếu được tạo thành từ chất béo và cholesterol, được gọi là xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch có thể gây ra thiếu máu cục bộ do hạn chế lưu lượng máu đến tim. Ngoài ra, nếu một mảng bám vỡ ra khỏi thành động mạch, cục máu đông có thể hình thành, chặn dòng máu cần thiết đến cơ tim. Khi cơ tim ngừng nhận oxy và dòng máu giàu chất dinh dưỡng, các tế bào trong tim sẽ bị tổn thương hoặc chết.
Triệu chứng chính của cơn đau tim thường là đau ngực hoặc khó chịu ở phần bên trái hoặc giữa ngực, kéo dài hơn ba phút. Áp lực này có thể cảm thấy như bị ép chặt, đầy hoặc đau.
Các triệu chứng khác của cơn đau tim có thể bao gồm: chóng mặt (cảm thấy yếu hoặc ngất xỉu); đau hàm, cổ hoặc lưng; đau vai hoặc cánh tay; hụt hơi; mệt mỏi vô cớ; buồn nôn hoặc nôn mửa; đổ mồ hôi; tim đập nhanh.
Bệnh động mạch vành (CAD) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cơn đau tim. Các tình trạng sức khỏe khác làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim hoặc đau tim như: tăng huyết áp hoặc huyết áp cao; béo phì; cholesterol cao; hút thuốc; lạm dụng rượu hoặc ma túy; ăn chế độ nhiều chất béo, muối và đường; lười tập thể dục. Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát là tiền sử gia đình và tuổi cao.
Để hồi phục sau cơn đau tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: mức độ nghiêm trọng của cơn đau tim; cách điều trị; sức khỏe tổng thể của người bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể trở lại làm việc và các hoạt động bình thường từ hai tuần đến ba tháng sau khi bị đau tim.
Một số biến chứng liên quan đến đau tim có thể gồm: suy tim, loạn nhịp tim, ngừng tim đột ngột, trầm cảm và âu lo.
Nhận biết đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi không đủ lượng máu lên não. Sự thiếu máu này làm não thiếu oxy cần thiết để hoạt động, dẫn đến chết tế bào não. Có hai loại đột quỵ chính, bao gồm: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là kết quả của sự tắc nghẽn bên trong một mạch máu não, 87% trường hợp đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Đột quỵ xuất huyết là kết quả của một mạch máu bên trong não đột ngột vỡ ra, loại này ít gặp hơn, chiếm khoảng 13% tổng số ca đột quỵ.
Các triệu chứng đột quỵ thường xuất hiện nhanh chóng, bao gồm: tê hoặc yếu mặt, cánh tay hoặc chân (thường xảy ra nhiều hơn ở một bên của cơ thể); khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt; lú lẫn; khó nói; mất thăng bằng hoặc chóng mặt; đau đầu dữ dội xảy ra bất thường. Đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng và cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Một số yếu tố chính có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, như: tăng huyết áp hoặc huyết áp cao; bệnh tiểu đường; bệnh tim; rung tâm nhĩ; hút thuốc; tiền sử di truyền của bệnh tim hoặc đột quỵ; lớn tuổi.
Các yếu tố lối sống có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm: thiếu hoạt động thể chất; uống rượu; sử dụng ma túy; cholesterol cao; béo phì; chế độ ăn uống không lành mạnh.
Đột quỵ xuất huyết thường xảy ra do một trong các yếu tố gồm: một phần phình to của mạch máu trong não do áp lực tăng lên và cuối cùng bị vỡ; hoặc một nhóm các mạch máu hình thành bất thường.
Ngoài ra, còn có mối liên hệ giữa chấn thương đầu và tăng nguy cơ bị đột quỵ xuất huyết trong tương lai.
Đột quỵ ảnh hưởng đến người bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào phần não liên quan. Bệnh nhân đột quỵ có thể gặp một số di chứng như: tê liệt ở bên phải hoặc trái của cơ thể; khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ; mất trí nhớ; khó kiểm soát được hành vi; thị lực yếu; thậm chí tử vong.
Châu Vũ (Theo Verywellhealth)