Viêm gan thường do nhiễm virus, tình trạng tự miễn dịch và uống nhiều rượu bia. Ba loại viêm gan phổ biến nhất là viêm gan A, B và C; do các loại virus khác nhau gây ra và con đường lây truyền cũng có sự khác biệt.
Các triệu chứng của bệnh viêm gan A, B và C đều khá giống nhau như sốt, mệt mỏi, đau ở vùng trên bên phải của bụng, đau khớp, buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm, phân nhạt màu. Tuy nhiên, bệnh viêm gan virus cũng có thể không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý. Do đó, một số người không biết bản thân mắc bệnh.
Viêm gan A
Viêm gan A do virus viêm gan A (HAV) gây ra, rất thường gặp. Bệnh phổ biến ở các khu vực như châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ, Đông Âu.
HAV có thể có trong phân và máu của người nhiễm virus, chủ yếu lây truyền qua đường phân - miệng. Viêm gan A lây nhiễm do tiếp xúc với người bị viêm gan A như chăm sóc người bệnh, quan hệ tình dục miệng - hậu môn với người nhiễm virus. Ăn phải thức ăn, nước uống có nhiễm virus viêm gan A, tiếp xúc với các vật bị ô nhiễm chẳng hạn như nhà vệ sinh, khu vực thay tã, sau đó không rửa tay.
Thời gian ủ bệnh viêm gan A có thể 15-50 ngày (trung bình là 28 ngày). Sau thời gian này, các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Không giống như viêm gan B và C, viêm gan A chỉ gây bệnh cấp tính. Phương pháp điều trị hỗ trợ như nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh. Thuốc cũng có thể giúp giảm một số triệu chứng như sốt, đau nhức.
Viêm gan A có thể phòng ngừa bằng vaccine, thường được khuyến cáo cho trẻ em và người có nguy cơ nhiễm virus cao. Một người không thể mắc viêm gan A sau khi đã bị nhiễm loại virus này. Hầu hết người bệnh đều phục hồi mà không có bất kỳ biến chứng, tuy nhiên có những trường hợp tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng như người cao tuổi, người nhiễm HIV, người đã bị bệnh gan.
Viêm gan B
Viêm gan B do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bạn có thể nhiễm HBV khi tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bệnh. Các con đường lây truyền căn bệnh này như quan hệ tình dục với người bị viêm gan B, dùng chung dụng cụ tiêm chích, lây truyền từ mẹ sang con, bị thương do tai nạn, chẳng hạn như kim đâm hoặc vết thương do sắc nhọn, dùng chung các vật dụng cá nhân có thể tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác (dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay...).
Thời gian ủ bệnh có thể 60-150 ngày (trung bình 90 ngày). Tuy nhiên, không phải ai mắc viêm gan B cấp tính cũng xuất hiện triệu chứng. Hầu hết người bệnh có thể khỏi nhưng cũng có thể trở thành mạn tính (thường không có triệu chứng cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng). Nguy cơ mắc bệnh viêm gan B mạn tính cao nhất ở người đã tiếp xúc với HBV khi còn nhỏ. Không giống viêm gan A, virus viêm gan B có thể kích hoạt trở lại dù đã mắc bệnh. Người có hệ thống miễn dịch suy yếu và đang điều trị viêm gan C có nguy cơ tái hoạt động HBV cao hơn.
Tương tự như viêm gan A, viêm gan B cấp tính thường được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ. Thuốc kháng virus có thể được dùng cho người mắc căn bệnh này. Trẻ em và thanh thiếu niên nên tiêm vaccine viêm gan B để phòng ngừa. Chủng ngừa cũng được khuyến cáo cho người trưởng thành có nguy cơ nhiễm virus HBV cao.
Các triệu chứng của bệnh viêm gan B cấp tính có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng và thường nhẹ. Bệnh nghiêm trọng hơn có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Viêm gan B mạn tính có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Tuy nhiên, khi HBV được chẩn đoán và điều trị sớm thì khả năng biến chứng nghiêm trọng thấp hơn.
Viêm gan C
Viêm gan C do virus viêm gan C (HCV) gây ra, thường lây truyền qua máu và các chất dịch cơ thể có thể chứa máu như dùng chung dụng cụ tiêm chích, lây truyền từ mẹ sang con, quan hệ tình dục với người bị viêm gan C, xỏ lỗ, hình xăm bằng thiết bị đã được sử dụng lại hoặc chưa được khử trùng đúng cách, bị thương do tai nạn chẳng hạn như kim đâm, vết thương do sắc nhọn, dùng chung các vật dụng cá nhân có thể tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể của người bệnh.
Thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh viêm gan C là 14-84 ngày nhưng có thể kéo dài đến 182 ngày. Một số người chỉ trải qua một đợt bệnh cấp tính, sau đó cơ thể thanh lọc virus. Cũng giống như viêm gan B, viêm gan C cấp tính có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, khoảng 50% trường hợp viêm gan C phát triển thành mạn tính. Nhiều người bị viêm gan C mạn tính không có triệu chứng, trong khi một số có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, trầm cảm.
Viêm gan mạn tính có thể phát triển thành xơ gan, ung thư gan, thường diễn ra trong nhiều năm. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh xơ gan như nam, trên 50 tuổi, uống rượu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, mắc một loại bệnh gan khác. Thuốc kháng virus được dùng để điều trị cho bệnh nhân viêm gan C.
Dưới đây là tóm tắt sơ lược về một số điểm khác biệt chính giữa viêm gan A, B và C.
Viêm gan A | Viêm gan B | Viêm gan C | |
Phương thức lây truyền | chủ yếu qua đường phân - miệng | tiếp xúc với máu và các chất dịch cơ thể khác có chứa HBV | tiếp xúc với máu có chứa HCV |
Thời gian ủ bệnh | 15-50 ngày | 60-150 ngày | 14-84 ngày |
Cấp tính, mạn tính | chỉ cấp tính | có thể là cấp tính hoặc mạn tính; hầu hết người lớn có thể loại bỏ virus, nhưng trẻ em nhiễm virus HBV có nhiều khả năng bị viêm gan B mạn tính | có thể là cấp tính hoặc mạn tính; hơn một nửa số người nhiễm virus sẽ phát triển thành bệnh viêm gan C mạn tính |
Chăm sóc, điều trị | chăm sóc hỗ trợ | cấp tính: chăm sóc hỗ trợ; mạn tính: thuốc kháng virus có thể được sử dụng | thuốc kháng virus có thể loại bỏ virus trong nhiều trường hợp |
Vaccine phòng ngừa | có vaccine | có vaccine | không có vaccine |
Kim Uyên (Theo Healthline)