Ngày 14/10, BS.CKII Nguyễn Lê Ngọc, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chỉ số bạch cầu và tiểu cầu của bé An giảm nhẹ. Bác sĩ xét nghiệm huyết thanh sốt xuất huyết ghi nhận âm tính, chẩn đoán sốt siêu vi nhưng cần theo dõi thêm vì có thể xuất hiện tình trạng âm tính giả.
Bé được theo dõi và điều trị hỗ trợ bù nước bằng đường uống, điều trị viêm mũi họng. Sau hai ngày bé giảm sốt, tiểu cầu tăng, tình trạng nhợn ói giảm, huyết áp ổn định, không xuất huyết thêm, ăn uống tốt và được xuất viện.
Bác sĩ Ngọc lưu ý sốt xuất huyết và sốt siêu vi còn có biểu hiện giống nhau nên dễ nhầm lẫn. Ở giai đoạn khởi phát, người bị sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột tới 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau hốc mắt, đau mỏi cơ, chán ăn, buồn nôn... Giai đoạn toàn phát, người bệnh còn sốt cao nhưng có thể hạ sốt (giai đoạn nguy hiểm) nhưng giảm tiểu cầu trong máu gây chảy máu da niêm (chảy máu dưới da, chảy máu chân răng), chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân máu và cô đặc máu, có thể dẫn đến sốc, suy đa cơ quan. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, dễ xảy ra biến chứng bởi nhiều người lầm tưởng người bệnh đã khỏi.
Một số trường hợp xét nghiệm huyết thanh sốt xuất huyết âm tính giả do lấy máu giai đoạn sớm hoặc do kit test nhanh sai. Do đó, người bệnh có thể chủ quan, khi trở nặng mới đến viện, lúc này có thể đã bị sốc nặng, tổn thương đa quan.
Sốt siêu vi (sốt virus) do nhiều loại virus khác nhau gây nên, thường có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày. Tùy từng loại virus mà triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, biểu hiện thường gặp nhất cũng là sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi, uể oải, đau họng, ho, chảy mũi nước, tiêu lỏng.
Nếu trẻ bị sốt siêu vi vẫn ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể hạ sốt tại nhà bằng cách cho uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng 10 mg/kg theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy sốt siêu vi là bệnh lành tính nhưng vẫn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất nước, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não...
Bác sĩ khuyến cáo trẻ sốt cao liên tục trên hai ngày kèm nôn ói, chán ăn, chảy máu ở bất cứ vị trí nào cần đi khám. Mọi người nên chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc trị, cách phòng bệnh là ngủ màn, mặc quần áo dài tay vào buổi chiều tối, phát quang bụi rậm, đậy kín các dụng cụ chứa nước... Bên cạnh đó, cho trẻ ăn uống đủ chất, tập luyện thường xuyên, tiêm ngừa vaccine sốt xuất huyết theo khuyến cáo.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |