Bản thân tôi là một người mong muốn được nghỉ hưu sớm. Chính vì vậy tôi bị cuốn hút vào các bài viết và tranh luận về đề tài này. Nhưng mãi mà tôi vẫn không thể nghỉ hưu được.
Ở đây chúng ta nên hiểu là cụm từ "nghỉ hưu sớm" có nghĩa là thoát khỏi công việc làm công ăn lương, tiếp tục cuộc sống để làm những gì mình thích, có thể chấp nhận mức thu nhập ít đi hoặc không ổn định. Nó hoàn toàn không có nghĩa là không làm gì cả và chỉ hưởng thụ.
Khi mới ra trường, tôi từng yêu thích công việc kỹ sư của mình rất nhiều và mong ước có thể làm công việc này đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng sau gần 20 năm đi làm, dù đã rất dày dạn kinh nghiệm, tôi vẫn cảm thấy thật khó mà cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Thường ngày, hiếm khi tôi về đến nhà trước 19h, thông thường trong khoảng 20h đến 21h, tất nhiên là trong trạng thái rất mệt mỏi. Về trễ như vậy một phần là công việc bận rộn, một phần là do tình trạng kẹt xe quá trầm trọng.
Cuối tuần cũng không phải lúc nào cũng được nghỉ. Càng ở vị trí lãnh đạo thì lại càng bận rộn với giao tiếp, tiệc tùng, nhiều khi các cuộc họp online kéo dài đến 2h sáng.
Cha mẹ tôi đã lớn tuổi, tôi muốn khi ông bà đau ốm có con cháu gần bên. Con cái tôi đi học, tôi muốn có thời gian ngồi với chúng hỏi xem chúng học cái gì, bạn bè chúng ra sao. Chỉ là những trách nhiệm gia đình cơ bản như vậy nhưng thực sự tôi cũng không đảm bảo được.
>> Nghỉ hưu sớm nhờ có bốn nhà cho thuê
Hơn thế nữa, tôi là người ưa thích trải nghiệm và lối sống chậm. Tôi thích học đàn, học vẽ, thích đọc sách, thích du lịch bụi và làm vườn... Chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu mới được làm những việc đó làm tôi cảm thấy rất sốt ruột.
Trong mùa dịch này, đa số khách hàng của công ty tôi là các nhà máy, họ sản xuất "3 tại chỗ". Nhân viên công ty chúng tôi vẫn đến hỗ trợ. Anh em chúng tôi lây lất quanh các khu công nghiệp, có người xong việc rồi nhưng không về nhà được, có người bị cách ly chung với các nhà máy bị bùng dịch, có người nhiễm Covid-19 và ở lại bệnh viện dã chiến, có chuyên gia nước ngoài sống cả tháng chỉ bằng bánh ngọt.
Chúng tôi thỉnh thoảng chat với nhau vẫn khoe: "Công ty tớ làm cái cọng dây điện cho cái camera mới ra nè, công ty tớ làm cái hộp cầu chì cho cái xe đó, hay làm miếng băng keo, hay bản mạch điện tử hay vỏ nhôm nguyên khối cho chiếc điện thoại nọ...".
Chúng ta tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần tạo ra các sản phẩm đình đám nổi tiếng trên thế giới. Nhưng riêng tôi, tôi không còn thấy hào hứng với sự tham gia nhỏ xíu đó của mình nữa.
Tôi cho rằng các sản phẩm đó không thiết yếu. Cái iPhone 8 tôi đang dùng đã là rất tốt, tôi không cần iPhone 13. Cái xe đời 2010 gia đình tôi đang dùng là đủ tiện nghi và an toàn rồi, tôi không cần xe đời 2021.
Ra sản phẩm mới thì tốt nhưng không cần mỗi năm mỗi ra như vậy. Thời gian mọi người hy sinh cho công việc quá nhiều và mức độ hủy hoại môi trường quá nhiều mà sản phẩm thì không thiết yếu.
>> Tiếc nuối bán đất 4,5 tỷ để 'tự do tài chính'
Thực sự tôi muốn nghỉ ngơi để làm những công việc có ý nghĩa hơn cho bản thân và gia đình. Tôi chấp nhận mất đi phần thu nhập ổn định từ công việc hiện tại. Tuy nhiên, có những nguyên nhân sau đây bắt bản thân tôi và đa số chúng ta tiếp tục nghiến răng lăn lộn đi làm kiếm tiền đến già:
1. Cần tiền chăm lo cho cha mẹ. Cha mẹ tôi không có lương hưu, chỉ có bảo hiểm y tế thông thường, với mức chi trả giới hạn và chỉ được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cơ bản. Nếu cha mẹ tôi bị các bệnh hiểm nghèo thì con cái trung niên chúng tôi phải chi trả thêm những khoản tiền rất lớn.
2. Cần tiền cho con ăn học. Tôi không hài lòng với chương trình giáo dục hiện tại, vừa nặng nề vừa không hiệu quả. Nếu như con cái tôi sáng trí và chúng có ý định đi du dọc, tôi mong có chút tiền để hỗ trợ chúng.
3. Trăn trở cho xã hội. Mỗi công dân không thể sống hạnh phúc nếu quốc gia của mình chưa thịnh vượng. Chúng ta cần ngân sách để phát triển y tế, giáo dục và cơ sở vật chất. Tình hình thế giới hiện tại rất phức tạp, sinh mệnh của một quốc gia gắn liền với sức mạnh của nền kinh tế. Mà một nền kinh tế sao có thể mạnh được khi ai cũng muốn nghỉ hưu sớm?
4. "Lỡ leo lên lưng cọp phải lao theo cọp". Chúng ta xác định phát triển theo hướng công nghiệp hóa và chúng ta phải theo các nước phát triển trước. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước nổi tiếng có chế độ làm việc khắc nghiệt và tuổi nghỉ hưu rất cao.
Gần đây tôi thấy người Trung Quốc còn làm việc siêng năng hơn cả người Nhật nữa. Việt Nam coi trọng lao động cần cù, chưa thể theo lối sống của các nước Tây Âu được. Xu hướng xã hội thế nào thì người dân phải sống theo như thế. Phải vắt chân lên cổ thì mới đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh khác đã xuất phát sớm hơn mình.
Tôi vẫn nuôi giấc mơ xa xỉ của mình. Tôi mong hè đến, khi các con được nghỉ, tôi có thể hả hê dẫn chúng đi khắp nơi để vui chơi và khám phá, không phải lo gửi chúng đi đâu học thêm cho hết ngày hết tháng.
Nhưng trước mắt, tôi vẫn sẽ lo chạy vạy khắp nơi để xét nghiệm, xin giấy đi đường, xin thẻ xanh, khai báo tại các chốt kiểm soát để đi làm, để tôi đóng góp tiếp cho xã hội phần trách nhiệm nhỏ bé của mình.
Đỗ Khiêm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.