'Tôi 46 tuổi có 26 năm đóng BHXH. Theo luật tôi phải chờ đến năm 63 tuổi (17 năm sau) mới được nghỉ hưu. Khi đó tôi sẽ có 43 năm đóng BHXH. Tôi muốn nghỉ hưu hưởng bảo hiểm xã hội khi 50 tuổi với 30 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng luật không cho phép. Nên nếu có thể rút BHXH một lần tôi sẽ rút".
Độc giả Hoang Tung chia sẻ lý do sẽ chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần thay vì chờ tới tuổi nghỉ hưu. Theo số liệu Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố sáng 16/4, cả nước có hơn 226.500 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; tăng hơn 46.400 người so với cùng kỳ năm 2020. Tính rộng ra, trong hơn 5 năm qua có hơn 3,7 triệu người lao động đã rút BHXH một lần.
Một số lý do khiến người lao động quyết định rời khỏi hệ thống an sinh, chọn rút BHXH một lần thay vì chờ hưu trí như: đại dịch kéo dài hơn một năm, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc...nhưng điểm chung mà nhiều độc giả VnExpress chia sẻ là: độ tuổi hưởng lương hưu cao khiến họ có cảm giác chờ đợi quá lâu.
Độc giả Thuy Bui : Tôi là nữ, sắp 30 tuổi, chuẩn bị sinh con thứ hai, đi làm được khoảng 9 năm nhưng chỉ tham gia BHXH được từ năm 2015 tới nay, vì muốn hưởng chế độ thai sản. Đã vậy, luật mới còn tăng độ tuổi hưởng lương hưu tới tận 60 tuổi thì thiệt sự không biết bản thân có sống được tới tuổi đó để mà hưởng hay không nữa (sức khỏe sau khi sinh đến bé thứ 2 là đã giảm đến 50% so với thời còn trẻ rồi).
Chung nỗi niềm, độc giả Nguyễn Hồng Sơn: "Nguyên nhân người lao động không gắn bó với BHXH vì tăng tuổi nghỉ hưu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không muốn sử dụng công nhân lâu năm (47 - 55 tuổi). Người lao động tự nhận thấy để nhận đồng lương hưu ở tuổi 60 là rất khó".
Độc giả dayen877: "Tuổi hưởng BHXH quá dài không phù hợp với lao động khối tư nhân. Lao động khối tư nhân bị đảo thải và tự đào thải rất sớm. Tôi đề xuất hạ thấp tuổi nhận lương hưu 45 với nữ và 50 với nam. Số năm tham gia bảo hiểm tối thiểu 20 năm. Tham gia bao nhiêu năm thì nhận lương hưu theo tỷ lệ phù hợp nhất. Cứng nhắc tuổi nhận lương hưu theo tuổi lao động tối đa là bất hợp lý".
Bên cạnh đó, việc người lao động trung niên gặp khó khăn khi xin việc cũng là lý do khiến họ chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Hiện nay có một số lượng rất lớn người lao động tuổi trung niên (từ 40-50 tuổi) bị mất việc làm. Phần lớn trong số này chưa đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng lại rất khó xin việc làm.
Theo quy định thì họ phải chờ hàng chục năm để có thể đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trong khi đó, từ nay tới lúc đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ chưa biết sẽ sống bằng gì (nhiều người thuộc nhóm lao động vất vả độc hại còn chưa biết có sống nổi cho tới tuổi nghỉ hưu hay không?).
Chính vì vậy, bất đắc dĩ họ phải chọn lấy tiền một lần, may ra còn có cơ hội đầu tư cho nghề mới. Theo tôi, để khuyến khích mọi người tích cực tham gia bảo hiểm, các cơ quan hữu quan cần có chính sách thay đổi phù hợp hơn.
Ở khía cạnh khác, độc giả Chuyen nêu lên vấn đề nhiều người lao động còn mơ hồ về các khái niệm an sinh xã hội và chưa nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình nên kết quả là họ không thực sự mặn mà với BHXH dẫn đến việc "muốn chia tay sớm":
Có một vấn đề khá quan trọng là định nghĩa về mức đóng BHXH. Thay vì quy định người lao động đóng 10,5% và người sử dụng lao động đóng "hộ" 21,5% thì nên coi số tiền đóng đó hoàn toàn là thuộc trách nhiệm của người lao động và họ phải đóng 32% (10,5 % + 21,5%).
Số tiền đóng không thay đổi nhưng chuyển trách nhiệm đóng đó cho người lao động cho đúng với thực tế và họ hiểu được quyền lợi của mình. Thực tế chi phí tiền lương của người lao động sẽ bằng tiền lương trả cho người lao động, cộng mức đóng bảo hiểm "hộ" cho họ (21,5%). Mức lương cho người lao động nên được điều chỉnh tăng thêm 21,5% để phản ảnh đúng điều này.
Người lao động cũng hiểu được mức đóng của họ (32%) và từ đó thấy được quyền lợi của họ. Số tiền lương người lao động thực nhận và số tiền người sử dụng lao động phải chi cho mỗi lao động là không đổi, chỉ thay đổi lương danh nghĩa của người lao động.
Chứ như hiện tại, quy định người sử dụng lao động phải đóng một phần BHXH cho người lao động là bất hợp lý và che giấu đi chi phí thực tế người sử dụng lao động phải chi, và người lao động cũng không ý thức được tổng số tiền họ đã đóng cho BHXH.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.