Tôi có quen một ông bạn ở quê, sau khi về hưu, ông ấy bàn bạc với vợ là bán hết mấy công đất vườn cây ăn trái với giá 4,5 tỷ đồng để chia tiền cho các con. Số còn lại thì để dưỡng già. Anh có một ý niệm quan trọng hơn là giữ số tiền lớn để cảm thấy thoải mái, tự do về tài chính.
Tôi hết sức khuyên ngăn nhưng gia đình họ đã thống nhất. Hai con làm việc ở thành phố. Cha mẹ tuổi già không có sức chăm bón trồng trọt, nhà lại cách xa khu vườn 20km nên không tiện chăm bón... Số tiền bán đất chia cho mỗi con một tỷ, còn 2,5 tỷ đồng còn lại cho hai vợ chồng dưỡng già tới cuối đời.
>> Nghỉ hưu - an dưỡng hay tiếp tục kiếm tiền?
Tôi thấy họ chưa già và đau yếu thì số tiền dự định cho tuổi già cũng vơi đi một ít. Cửa hàng bán tạp hoá ở nhà riêng trong thị trấn không khởi sắc. Những năm vừa rồi, khi thấy giá mít và giá sầu riêng tăng cao ngất ngưỡng, nhiều người trúng đậm hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch, ông bạn tôi lại chép miệng tiếc rẻ: "Nếu không bán đất thì có thể trồng mít, sầu riêng bán mỗi đợt cầm chắc vài chục triệu đồng rồi nhưng quan trọng là giữ được của". Còn bây giờ có tiền tỷ trong tay nhưng lại cảm thấy bất an. Nếu vợ hoặc chồng ngã bệnh thì số tiền đó cũng nhanh chóng vơi đi.
Cách đây không lâu, tôi có xem một chương trình trên TV nói về cuộc sống của bà cụ hơn 90 tuổi. Mặc dù tuổi đã cao, con cái ổn định, nhưng bà cụ vẫn sống một mình, hằng ngày vẫn thức sớm nhóm bếp, nhào bột để duy trì hàng bánh nướng.
Khi được hỏi sao bà không nghỉ ngơi và mỗi cái bánh bà bán ra chỉ một nghìn đồng, quá rẻ so với giá cả hàng hoá bây giờ. Bà trả lời từ tốn rằng bánh này chỉ là bánh ăn chơi, một nghìn tuy rẻ nhưng nhiều người sẽ mua 5, 10 cái. Vậy là lấy số lượng bù cho giá rẻ.
Rồi bà khoe những cọc tiền được bó buộc cẩn thận trong túi. Tuổi già không có tiền, bệnh thì khổ lắm, bà làm ra ít tiền nhưng để dành, ngày qua tháng lại cũng nhiều dần. Tôi cho rằng bà hoàn toàn tự do về mặt tài chính, tức là chủ động và làm ra được tiền, có tích luỹ.
Bấy lâu nay chúng ta thường nghe nói nhiều về tự do tài chính. Nhiều người trẻ cố gắng tiết kiệm, làm việc tăng ca ngày đêm, kiếm thật nhiều tiền để về hưu trước 30 tuổi. Một số thì bỏ phố về quê có "cháo ăn cháo, có rau ăn rau" để sống an nhiên tự tại, hòng thoát khỏi vòng xoáy của áp lực kiếm tiền chốn thị thành.
>> Đừng cam phận 'sống mòn' sau nghỉ hưu
Một số người trung niên hoặc lớn hơn thì mong muốn nghỉ việc để an hưởng cuộc sống với một cục tiền lận lưng từ tích luỹ sau bao năm làm việc hoặc bán đi một phần tài sản để có số tiền lớn. Tất cả đều lấy con số hiển thị trong tài khoản ngân hàng để làm bản thân mình yên tâm hơn trong cuộc sống. Nhưng câu hỏi bao nhiêu tiền mới là đủ, có bao nhiêu tiền thì bản thân mới tự do tài chính thì hầu như tôi thấy ít người trả lời được câu hỏi này.
Theo tôi, tự do tài chính không phải là một mốc tiền bạc, vật chất nào đó để chúng ta phấn đấu đạt đến để rồi hài lòng và cảm thấy an tâm. Tự do tài chính chính là một trạng thái mà ở đó, con người vừa cảm thấy an toàn với cuộc sống bản thân, vẫn có việc làm và thu nhập đều đặn dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Khánh Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.