"Tôi xin chia sẻ cuộc sống sau khi về hưu ở tuổi 55 của mình. Lúc đó, tôi lãnh lương hưu một cục sau khi làm việc liên tục 33 năm, được 385 triệu. Tôi nghĩ cách tạo ra thu nhập từ số tiền đó. Tôi có nền tảng khoa học kỹ thuật, nhưng lúc đó thị trường chứng khoán bắt đầu manh nha ở Việt Nam.
Nghĩ là sẽ học đẻ kiếm tiền, tôi từ từ tung từng chút tiền 15-20 triệu vào thị trường chứng khoán, không vay nợ, chấp nhận trả "học phí" trên thị trường mới mẻ, không nóng ruột khi thua lỗ, sau 15 năm, đến nay tôi có thể chi trả một triệu đồng mỗi ngày nếu vô nhà dưỡng lão, số tiền mà khi khi nghỉ hưu tôi không dám nghĩ là mình sẽ có.
Vậy, điều mà tôi muốn nói là cả khi nghỉ hưu, ta đừng vội buông tay, ta vẫn có thể học thêm cái gì đó, giúp ta vững chắc hơn ở tuổi già".
Độc giả Trần Kiều Dung cho rằng về hưu không đồng nghĩa với chỉ hưởng thụ, vẫn có thể làm việc khi đầu óc còn minh mẫn. Cuộc sống tuổi già đang là mối lo, bận tâm hơn bao giờ hết của nhiều người, bởi nước ta đang đối mặt với tốc độ già hoá dân số nhanh. Theo thống kê và dự tính, giai đoạn dân số già sẽ nằm ở giai đoạn 2026 - 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 - 19,9% dân số.
Độc giả Huy Hoang chia sẻ góc nhìn của một người lao động tự do sau bài viết Lương hưu đủ sống.
"Tôi là lao động tự do, nay 60 tuổi, có hai con trai ăn học tử tế và cuộc sống có phần khá so với mặt bằng chung. Chúng đủ sức nuôi bố mẹ già nhưng cuộc sống vợ chồng trẻ bây giờ không như chúng ta ngày trước. Chúng phải chạy mới kịp trên đường đua cuộc đời hiện nay. Nếu chúng ta không tư duy mới sẽ dễ xảy ra những điều bất hòa êm ái mà tiềm ẩn sự nặng nề.
Hãy thông cảm cho con và cách để tránh sự khác biệt hai thế hệ xưa và nay, già và trẻ thi nên thực hiện: Không bán nhà đi ở với con. Không sống cùng, chỉ sống gần con. Không trông chàu mà chỉ thăm cháu. Quan trọng nhất là không can thiệp sâu vào chuyện của con.
Tôi không có tích lũy gì ngoài một khu vườn bốn sào do dồn điền đổi thửa và mua thêm ba sào gần đó. Tất cả đang trồng cây ăn quả, cây cảnh, cây hoa, rau xanh và chăn nuôi vài loại gia cầm. Đủ sinh hoạt của hai ông bà và phong bì cưới xin ma chay. Sau này không làm vườn được tôi sẽ bán bớt đủ gửi ngân hàng để lấy lãi khoảng 6 triệu đồng. Nếu già bị bệnh nan y tôi sẽ cố gắng không kéo dài cuộc đời mình".
Rất nhiều người trăn trở câu hỏi "Lương hưu có đủ sống?", độc giả Võ Quang đưa ra đánh giá:
"Mức lương hưu hiện nay ở mức trung bình là 3,5 triệu đồng, không đủ sống khi phải trang trải rất nhiều chi phí: điện, nước, truyền hình, điện thoại, gas, thuốc chữa bệnh... thì số tiền còn thực tế còn hai triệu đồng. Đây là mức duy trì cuộc sống, không phải ngửa tay xin tiền con.
Để có lương hưu trên 5 triệu một tháng, tôi phải làm việc liên tục 40 năm trong cơ quan nhà nước. Nếu làm tư nhân, không thể ổn định lâu như vậy. Nên con đường quan trọng nhất là kết hợp giữa việc tiết kiệm, làm thêm để có tài khoản tiết kiệm trên một tỷ để lấy lãi trang trải cuộc sống.
Ước mơ có nhà dưỡng lão thì quên đi. Lý do là chi phí quá cao với người bình thường. Nhà giàu họ thuê người đến nhà chăm sóc, không ai đi viện dưỡng lão. Đó là bế tắc của xã hội và người già. Cả một đời lao động, nuôi con khôn lớn, cuối đời hắt hiu trong nghèo khổ, buồn tủi.
Các bạn già, đừng tin vào bất cứ sự trợ giúp nào, hãy tự lo cho mình khi còn trẻ, đừng dốc hết tài sản vào làm ăn, con cái. Hãy sống tiết kiệm và lành mạnh để tránh bệnh tật".
Độc giả có nickname minhb5nvc lại cho rằng người Việt cần thay đổi tư duy, gửi gắm tuổi già vào viện dưỡng lão là phương án cần phải suy tính ngay từ lúc còn trẻ khoẻ:
"Vào viện dưỡng lão là xu hướng tất yếu và thông minh của mỗi người ở độ tuổi hết sức lao động. Vậy chuẩn bị cho mình từ sớm để không phụ thuộc con cái là vấn đề nên làm.
Tuy nhiên nguồn kinh phí thực hiện điều đó không dễ dàng chút nào, mức lương hưu khoảng 3-4 triệu đồng một tháng thì khó khả thi, vậy cần lập kế hoạch từ lúc còn rất sớm, may ra mới có thể đáp ứng được.
Còn việc trông cháu, theo tôi không nhất thiết là phải thực hiện nghĩa vụ trông cháu, vì trách nhiệm của cha mẹ sinh ra chỉ nuôi dưỡng con cái đến ngày đủ tuổi tự lập, vậy hãy để chúng tự lập.
Thi thoảng ông, bà vui chơi cùng cháu là sự ấm áp, hạnh phúc rồi. Mỗi thời kỳ, mỗi lứa tuổi có cách dạy dỗ trẻ khác nhau, ông bà sẽ luôn chậm nhịp sống hơn tuổi trẻ, vì vậy không nên làm người bảo mẫu lúc tuổi đã xế chiều, đôi khi lại trở thành gánh nặng cho cả ông bà và bố mẹ cháu".
Độc giả Nguyễn Diên cho rằng nếu đã thấy trước tương lai sẽ già, mỗi người cần tự có trách nhiệm với bản thân mình bằng cách chăm chỉ làm việc và tiết kiệm, không thể trông cậy tuổi già vào người khác, dù đó là con cháu:
"Cả nước hiện có khoảng 2,4 triệu người đang hưởng lương hưu", "gần 100 triệu người dân với trên 20 triệu người người trên 60 tuổi", đây là những con số đáng sợ. Thử hỏi, mấy năm nữa, khi những người không có lương hưu này không thể nào lao động kiếm ra đồng tiền thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào?
Trước đây, người Việt khi về già chủ yếu sống nhờ con cháu nuôi. Nhưng đó là thời của kinh tế hiện vật, tự cung tự cấp và chủ yếu sống ở nông thôn. Còn bây giờ trở đi là kinh tế thị trường, để muốn có bất cứ một cái gì dù lớn hay nhỏ, đều phải dùng tiền để mua, ngay cả ở nông thôn cũng phải mua rất nhiều thứ.
Nói vậy để thấy, khi về già mà không có một khoản thu nhập ổn định nào đó thì có lẽ là một trong những điều đáng sợ nhất. Cho nên bây giờ, phần đông người ngoài 60 tuổi (dễ đến 90%) không có lương hưu, phần nhiều do lịch sử để lại và hầu như không thể đảo ngược, thì những người trong độ tuổi lao động, dù làm bất cứ việc gì, phải hết sức cố gắng để được đóng BHXH nhằm có lương hưu sau này.
Hãy cứu lấy mình trước khi trời cứu. Đó là chân lý vĩnh hằng mà có lẽ ai cũng cần phải ghi nhớ".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.