Tôi làm trong ngành du lịch, nhiều lần dẫn tour và gặp những vị khách là người hưu trí. Họ là những vị khách đặc biệt vì phải hướng dẫn và đối đãi với họ như những người thân ruột thịt.
Tuổi già đi du lịch là liệu pháp tắm tưới lại tâm hồn. Nhưng bằng sự quan sát của tôi, nhiều người già của ta có phần thụ động khi đi thăm thú. Khi đến một địa điểm, họ sẽ nghe thuyết minh rồi lên xe đi ăn uống hoặc về khách sạn.
Nhưng tôi thấy nhiều người già Hàn, Nhật họ rất năng động, tương tác với người hướng dẫn. Vài năm trở lại đây, nhiều người đã tiếp cận với smartphone và chăm tạo dáng, chụp hình hơn. Đây có lẽ là tín hiệu khả quan cho thấy người về hưu có ý thức chăm sóc đời sống tinh thần, biết nghĩ cho bản thân hơn.
Vài chục năm nữa tôi mới đến tuổi nghỉ hưu nhưng trong đầu đã vẽ ra cảnh đáng sợ khi mình già: Cả ngày quanh quẩn trong bốn bức tường và, chăm cháu. Trên thực tế với nhiều người, tưởng đâu đã được nghỉ an nhàn khi tuổi già gõ cửa nhưng không, họ bị nhiều thứ trói buộc.
Thứ nhất là sức khoẻ. Không hiểu sao nhiều người ngoài sáu mươi là đã rệu rã, bị nhiều chứng bệnh hành hạ: đau lưng, nhức mỏi, tiểu đường thậm chí ung thư. Phải chăng do không rèn luyện sức khoẻ ngay từ lúc trẻ?
Kế đó nữa là kế hoạch tài chính chưa ổn. Nhiều người sau khi về hưu vẫn sống dựa vào số tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng. Chạy ăn từng bữa thì đừng nói đến việc giải trí, du lịch.
Thêm nữa là gánh nặng chăm cháu. Những người con vô ý hoặc ỷ lại đã phó mặc con của mình cho cha mẹ chăm. Như vậy là đang lợi dụng sức của người già. Quan điểm của tôi là con ai nấy chăm. Nếu hiếu thuận thì cuối tuần ghé thăm ông bà là được. Nếu ở chung thì hãy đưa con đi nhà trẻ. Cha mẹ già rồi thì cứ để ông bà nghỉ ngơi.
Người già hãy biết chăm sóc và yêu thương bản thân vì thời gian của mình không còn nhiều. Đừng cam phận sống mòn quẩn quanh ở nhà, để thời gian trôi qua rồi chờ đợi bệnh tật ập tới.
Huỳnh Anh Bình
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.