Ngày 21/4, Ths.BS Hà Tuấn Hùng (Phó khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị Hạnh (Long Biên) tới khám sau 5 ngày sốt, tình trạng đau hông lưng không giảm dù dùng thuốc giảm đau. Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu trong máu và nước tiểu tăng cao, không có dịch quanh thận, không có sỏi thận hai bên, không tắc nghẽn niệu quản. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu.
Sau khi điều trị kháng sinh, kết hợp 3 ngày nuôi cấy máu tìm nguyên nhân, bác sĩ đã tìm thấy vi khuẩn E Coli gây nhiễm trùng tiết niệu trong máu và nước tiểu.
"Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể gây suy đa tạng nhanh, rối loạn điện giải, biến chứng nặng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng do sốc nhiễm khuẩn", bác sĩ Hùng nhận định.
Bác sĩ cho biết chị Hạnh thuộc nhóm người trẻ tuổi, không suy giảm miễn dịch, nhưng phụ nữ ai cũng có thể mắc nhiễm trùng tiết niệu ít nhất một lần. Đặc thù công việc nghề kế toán bận rộn, ngại đi vệ sinh, khiến chị Hạnh thường uống ít nước, nhịn tiểu. Đây chính là yếu tố gia tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
Việc uống ít nước, nhịn tiểu khiến vi khuẩn đường tiết niệu phát triển thuận lợi và lan sang toàn thân. Do đó, mọi người, đặc biệt là nhân viên văn phòng, nên bổ sung nước đầy đủ, tránh nhịn tiểu, nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
Bác sĩ Hùng cho biết thêm nhóm dễ mắc nhiễm trùng tiết niệu là người cao tuổi, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, người ít quan tâm chăm sóc bản thân. Phụ nữ từ tuổi nhỏ đến già đều có ít nhất một lần nhiễm khuẩn đường tiết niệu do cấu trúc sinh học và vi khuẩn sẵn có trong cơ thể. Đặc biệt mùa hè nắng nóng khi không cung cấp đủ nước cho cơ thể hoặc nhịn tiểu sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
Triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu thường biểu hiện cấp tính, đa dạng bao gồm có thể sốt, đau hông lưng, vùng thắt lưng, rối loạn tiểu tiện. Một số trường hợp gặp khó khăn trong chẩn đoán và điều trị do người bệnh tự mua thuốc điều trị gây lu mờ các triệu chứng điển hình hoặc ở đối tượng như người già sa sút trí tuệ, trẻ nhỏ.
Bác sĩ Hùng lưu ý, mọi người khi có dấu hiệu sốt và đau hông lưng cần tới khám ở những cơ sở y tế uy tín, không tự ý chẩn đoán, tự ý dùng kháng sinh. Như trường hợp của chị Hạnh do uống thuốc giảm đau nên hết sốt sau 5 ngày; tình trạng nhiễm trùng tiết niệu vẫn còn, dù người bệnh nghĩ rằng hết sốt là sắp khỏi. Hệ lụy của việc này khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn có nguy cơ nặng lên, tăng nguy cơ kháng thuốc. Nhiễm trùng tiết niệu tái lại điều trị khó khăn hơn trước. Việc dùng thuốc giảm đau kéo dài còn có nguy cơ gây hại cho gan, thận, thậm chí có thể suy thận.
Thanh Ba