Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Trúc (Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết, thời tiết nồm như ở miền Bắc hiện nay, với độ ẩm cao cộng thêm quần áo không khô ráo do thiếu nắng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi sinh vật, vi khuẩn và nấm phát triển mạnh.
Khoảng 95% nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn bội nhiễm ngược dòng niệu đạo vào bàng quang, trong đó Escherichia coli (E.coli) chiếm 80% tác nhân gây bệnh. Đây là vi khuẩn thường trú ở đường ruột, nhưng chúng cũng xuất hiện nhiều ở trên da gần hậu môn và có khả năng thâm nhập vào đường tiết niệu.
Khuẩn E.coli phát triển mạnh trong môi trường ẩm thấp, kín gió. Trong khi đó, vị trí đường tiểu và hậu môn ở nữ giới gần hơn ở nam giới nên vi khuẩn dễ tiến vào sâu hơn vào bàng quang, niệu đạo, đường tiết niệu và gây bệnh nếu không vệ sinh đúng cách.
Theo bác sĩ Thanh Trúc, triệu chứng cho thấy nữ giới bị viêm đường tiết niệu bao gồm: đi tiểu liên tục (diễn ra sau mỗi 15 - 20 phút/lần, có cảm giác khó chịu về đêm, nước tiểu rất ít, thậm chí không có, cảm thấy đau tức vùng bụng dưới); tiểu rắt, tiểu buốt (cảm giác nóng rát khi tiểu; nước tiểu khác thường (có mùi hôi nồng, màu đục, có thể xuất hiện máu hoặc mủ); đau quặn thắt ở phần thắt lưng hay bụng dưới (do viêm nhiễm lan đến niệu quản và thận; người bệnh có thể bị sốt cao, buồn nôn, ớn lạnh).
Để khắc phục tình trạng viêm đường tiết niệu trong những ngày thời tiết có độ ẩm cao, bác ĩ khuyến cáo chị em nên:
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể: Uống tối thiểu 1,5 lít nước mỗi ngày giúp pha loãng nước tiểu, tăng khả năng đào thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
- Bổ sung nhóm thực phẩm có nhiều lợi khuẩn như phô mai, sữa chua...
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi: Ưu tiên trái cây chứa lượng vitamin C dồi dào như cam, bưởi, chanh... giúp cơ thể ức chế vi khuẩn gây viêm, nhiễm trùng.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Sau mỗi lần đi vệ sinh, nên lau chùi từ trước ra sau để phòng ngừa tình trạng vi khuẩn di chuyển từ hậu môn đến niệu đạo và âm đạo.
- Không nhịn tiểu: Người bệnh nên đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu, lý tưởng là 2 tiếng/lần. Nên đi tiểu và vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ tình dục.
- Hạn chế mặc quần bó sát: Ưu tiên mặc các kiểu quần rộng, thoải mái và sử dụng những loại đồ lót may từ chất liệu hút ẩm tự nhiên.
- Quan hệ tình dục an toàn: Tránh các tư thế giao hợp qua hậu môn, sử dụng các loại bao cao su chất lượng cao, tuân thủ nguyên tắc quan hệ tình dục 1-1.
Nếu các biện pháp trên không cải thiện, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị. Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh, bao gồm kháng sinh đường uống hoặc kháng sinh đường tĩnh mạch với những triệu chứng nặng hơn như sốt, ớn lạnh, nhiễm trùng huyết, ổ viêm tại đường niệu. Trường hợp ổ viêm nhiễm không khống chế được bằng thuốc hoặc biến chứng tại thận như gây mủ và áp xe, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh phẫu thuật.
Những nguyên nhân khác có thể gây viêm đường tiết niệu bao gồm: nhịn tiểu quá lâu, quan hệ tình dục không lành mạnh, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng hoặc không thay băng vệ sinh sau mỗi 3 - 4 tiếng...
Bác sĩ Thanh Trúc lưu ý, viêm đường tiết niệu không thể tự khỏi, các biến chứng nguy hiểm sẽ xuất hiện nếu tình trạng nhiễm trùng kéo dài. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và chữa trị kịp thời nếu phát hiện sớm dấu hiệu. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc vì có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển xấu, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Chang Chang