Ngày 22/7, tái khám tại đơn vị Bệnh van tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sau hơn 6 tháng phẫu thuật điều trị bệnh hở van tim, ông Nguyễn Thành Luận vui mừng khi sức khỏe tim ổn định.
Năm 30 tuổi, ông Luận thường xuyên mệt khi lao động gắng sức. Sau đó tình trạng không giảm, ông xin nghỉ việc về nhà làm vườn. Năm 2010, triệu chứng nặng hơn, ông thường xuyên khó thở, nhất là lúc ngủ, leo cầu thang cũng mệt, có khi cấp cứu nửa đêm. Bác sĩ một bệnh viện chẩn đoán ông bị suy tim, kê thuốc uống và theo dõi thêm.
Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám vào tháng 11/2023, được chẩn đoán hở van hai lá nặng, hở van ba lá trung bình, áp phổi cao, giãn buồng tim bên trái. Bệnh nhân bị suy tim nặng, nếu kéo dài tình trạng, chức năng tim giảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ quyết định phẫu thuật sửa van hai lá.
Để phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ đánh giá van tim, dây chằng, vị trí cột cơ, sau đó sửa van và đặt vòng van, tái tạo dây chằng, cắt những mô xơ, giúp giảm mức độ hở van. Sau khi mổ, mức độ hở van của bệnh nhân dưới 1/4, không bị nhiễm trùng, hồi phục tốt, xuất viện sau 7 ngày.
Hở van tim hai lá là tình trạng máu bị trào ngược trở lại buồng tim, thay vì được bơm ra hệ tuần hoàn, do van hai lá đóng không khít. Suy tim là một trong ba biến chứng thường gặp của tình trạng này. Đây là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến và nguy hiểm hiện nay. Ước tính Việt Nam mỗi năm có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, gấp đôi số người mất vì ung thư. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Khi suy tim nặng, người bệnh không thể làm việc do không đủ sức khỏe. Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể bị trầm cảm, tự ti, ám ảnh cái chết. Để ngăn chặn bệnh trở nặng, các chuyên gia khuyến cáo người có triệu chứng khó thở khi gắng sức, dễ mệt khi làm việc và không gắng sức được, phù chân nặng về buổi chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng, ho khan không có đờm kéo dài... nên đi khám.
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, Trưởng đơn vị Bệnh van tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý người bệnh sau phẫu thuật sửa hoặc thay van nhân tạo cần tuân thủ lịch tái khám của để được theo dõi chặt chẽ triệu chứng và điện tim, khám lâm sàng, siêu âm tim định kỳ sau mổ.
Người đã được thay van nhân tạo, nhất là van cơ học, cần uống thuốc kháng đông kháng vitamin K suốt đời để duy trì hoạt động của van. Do đó, người bệnh cần hiểu rõ về thuốc kháng đông kháng vitamin K, tương tác thuốc cũng như chế độ ăn uống phù hợp. Người được phẫu thuật sửa hoặc thay van nhân tạo, cần uống kháng sinh dự phòng trước khi làm các thủ thuật chảy máu như nhổ răng để tránh nhiễm trùng vào tim (còn gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng).
Người bệnh hở van tim mức độ từ trung bình trở lên nên siêu âm tim mỗi 6 tháng đến một năm, nếu phát hiện suy tim cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |