Trả lời:
Trái tim có 4 buồng tim (tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải, tâm thất trái, tâm thất phải) và 4 van tim (van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi). Van tim giúp máu lưu thông theo một chiều, từ tĩnh mạch về tim, rồi từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều, tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể.
Nếu van tim bị hở, quy trình vận chuyển máu sẽ gặp khó khăn, tim làm việc dưới áp lực lớn, lâu ngày dẫn đến suy tim. Vì thế, những trường hợp hở van tim mức độ nặng kèm triệu chứng suy tim thường sẽ phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.
Van tim nhân tạo có hai loại gồm van cơ học và van sinh học. Van cơ học làm bằng kim loại, thời gian sử dụng trung bình 15-20 năm, lâu hơn so với van sinh học, người bệnh phải uống thuốc kháng đông loại kháng vitamin K suốt đời để van không bị kẹt. Van sinh học được làm từ màng ngoài tim của heo hoặc bò, gần giống van tự nhiên của người, thời gian sử dụng trung bình 10-15 năm, khi thay cho người trẻ thì van bị thoái hóa nhanh hơn. Ưu điểm của van sinh học là bệnh nhân chỉ cần uống thuốc kháng đông trong ba tháng đầu tiên sau mổ.
Trường hợp mẹ bạn đã lớn tuổi, bác sĩ có thể ưu tiên chọn van sinh học để người bệnh không phải uống thuốc kháng đông suốt đời. Tuổi thọ của van có thể lên đến 15 năm nếu bệnh nhân tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau mổ của bác sĩ.
Hiện, có hai phương pháp phẫu thuật thay van tim. Đối với mổ hở, bác sĩ sẽ rạch đường mổ khoảng 20 cm giữa ngực, trước xương ức. Người bệnh cần nằm viện 7-10 ngày sau mổ, người lớn tuổi có thể nằm viện lâu hơn, đến 14 ngày, nếu không có nhiễm trùng hay biến chứng. Sau khoảng 6-8 tuần, người bệnh mới có thể sinh hoạt bình thường.
Phương pháp thứ hai là mổ tim với kỹ thuật ít xâm lấn. Đường mổ khoảng 4-5 cm và vài lỗ nhỏ trên thành ngực để đưa hệ thống camera hỗ trợ và dụng cụ vào. Ưu điểm của phẫu thuật này là ít đau, mau hồi phục, bệnh nhân xuất viện sớm sau khoảng 3-5 ngày.
Sau mổ van tim, bệnh nhân cần đi tái khám theo lịch hẹn để điều chỉnh thuốc. Đồng thời, người bệnh phải uống thuốc theo toa bác sĩ để phòng biến chứng kẹt van phải mổ lại. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường như đau ngực, khó thở, vết thương khó lành..., bệnh nhân cần nhập viện ngay.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim Mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về các bệnh tim mạch cần bác sĩ giải đáp có thể đặt câu hỏi tại đây.