Sỏi tiết niệu là tình trạng các tinh thể khoáng chất kết tinh trong các cơ quan thuộc hệ tiết niệu gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt.
BS.CKI Lý Minh Hoàng, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viên sỏi lớn cọ sát bên trong thận, ống niệu quản, bàng quang gây ra cơn đau quặn vùng hông, lưng, nhất là khi vận động mạnh. Ngoài ra, sỏi gây tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu bí, tiểu ra máu, đau khi quan hệ khiến nam giới không thoải mái, giảm cảm giác và rối loạn cương dương.
Một nghiên cứu năm 2021 của các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc trên 87 nam giới mắc sỏi bàng quang cho thấy 95% có dấu hiệu rối loạn cương. Sau ba tháng phẫu thuật loại bỏ sỏi bàng quang, 77 người trong số này, tương đương 88,5%, cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn.
Sỏi lớn còn cản trở đường tống thoát nước tiểu, gây trào ngược, ứ nước trên thận, để lâu dẫn đến suy giảm chức năng thận. Sức khỏe phái mạnh cũng suy giảm, cơ thể mệt mỏi, lảng tránh "chuyện yêu".
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo nam giới cần uống nhiều nước, từ hai lít mỗi ngày để phòng tránh sỏi thận, sỏi bàng quang nói riêng và sỏi tiết niệu nói chung. Tốt nhất nên uống nước lọc, nước ép trái cây; hạn chế hoặc không sử dụng trà, cà phê, bia rượu, nước ngọt có ga.
Tránh ăn mặn; giảm đạm; giảm tiêu thụ thực phẩm giàu oxalat như rau chân vịt, hạnh nhân, khoai tây, củ cải đường... Tránh nhịn tiểu, thường xuyên tập thể dục, thể thao cũng giúp phái mạnh giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo nam giới bị đau hông lưng dai dẳng, tiểu bí, tiểu buốt, tiểu máu... cần đến bệnh viện khám và điều trị sớm, tránh để sỏi thận, sỏi bàng quang lớn hơn, ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |