Khi bàng quang không thể tống xuất hết nước tiểu ra ngoài, nước tiểu bị ứ đọng, cô đặc lại và có thể kết tinh, tạo thành sỏi bàng quang. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả nam và nữ nhưng thường gặp ở nam giới nhiều hơn.
Nếu một viên sỏi kích thích thành bàng quang hoặc ngăn cản dòng chảy của nước tiểu, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: đau bụng dưới, đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, khó đi tiểu hoặc dòng nước tiểu bị gián đoạn, có máu trong nước tiểu, nước tiểu đục hoặc có màu sẫm bất thường... Trong một số trường hợp, kể cả khi sỏi bàng quang có kích thước lớn, người bệnh có thể vẫn không nhận thấy dấu hiệu bất thường nào.
BS.CKII Nguyễn Lê Tuyên, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sỏi bàng quang có thể phát triển một số biến chứng, bao gồm:
Viêm bàng quang: Nếu sỏi phát triển lớn hơn 2cm, có thể xuất hiện các triệu chứng kích thích bàng quang như tiểu nhiều lần, tiểu đau, tiểu ngắt quãng hoặc tiểu máu. Nếu không có biện pháp xử lý sớm, tình trạng viêm có thể trở thành mạn tính, dẫn tới teo bàng quang, rò bàng quang, ung thư bàng quang.
Viêm thận: Sỏi gây nhiễm khuẩn ngược dòng từ bàng quang, có thể làm suy giảm chức năng thận. Đây là một trong những biến chứng có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, điều trị khó khăn.
Đau hạ vị: Người bệnh thường có cảm giác đau buốt vùng hạ vị do bàng quang kích thích, sỏi kẹt ở cổ bàng quang. Cơn đau có thể lan đến tầng sinh môn hay phía đầu bộ phận sinh dục ngoài.
Rò bàng quang: Sỏi kích thước lớn có thể gây rò bàng quang, rò tầng sinh môn hoặc âm đạo ở nữ giới. Nước tiểu rỉ liên tục qua đường rò gây nhiễm khuẩn vùng âm đạo hoặc hậu môn. Người bệnh sẽ gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Khi đã được chẩn đoán mắc sỏi bàng quang, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị nhằm vào hai mục tiêu là loại bỏ sỏi và giải quyết nguyên nhân gây sỏi để tránh tái phát. Người bệnh có thể được dùng thuốc làm tan sỏi hoặc làm cho sỏi có thể di chuyển dễ dàng ra khỏi cơ thể.
Hầu hết sỏi bàng quang có triệu chứng cần phải phẫu thuật. Nội soi tán sỏi thường được áp dụng cho các viên sỏi có kích thước nhìn thấy được trên màn hình. Mổ mở lấy sỏi được áp dụng trong trường hợp sỏi lớn hơn 4cm hoặc sỏi quá cứng không thể phá vỡ.
Theo bác sĩ Tuyên, sỏi bàng quang nếu không được chữa trị sớm, người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nặng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phi Hồng