Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI Phạm Thế Anh, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thận ứ nước do tắc nghẽn, phổ biến nhất là do sỏi thận và sỏi niệu quản làm tắc dòng nước tiểu.
Các nguyên nhân khác bao gồm hẹp niệu quản; thoát vị niệu quản; khối u (lành tính và ác tính) tại niệu quản, tuyến tiền liệt, thận, bàng quang hay các cơ quan khác nằm gần hệ tiết niệu; tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.
Ở phụ nữ, thận ứ nước có thể do mang thai, sa tử cung, ung thư tử cung hay sa bàng quang.
Thận ứ nước phát triển âm thầm, phụ thuộc vào nguyên nhân, thường không có triệu chứng ở các cấp độ đầu. Khi triệu chứng biểu hiện, bệnh đã diễn tiến nặng.
Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp gồm đột ngột đau quặn hông lưng một hoặc hai bên, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, rối loạn tiểu (tiểu nhiều, bí tiểu, tiểu rắt, tiểu gấp, tiểu không hết...), tiểu ra máu, phù nề cơ thể, tăng huyết áp.
Thận ứ nước gây nhiễm trùng tiểu và còn có thể đi kèm với biểu hiện sốt, rét run, nước tiểu đục (do ứ mủ trong thận).
Phần lớn người bệnh chỉ tình cờ phát hiện thận thông qua siêu âm bụng khi khám sức khỏe định kỳ. Dựa trên siêu âm, tình trạng thận ứ nước được chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng.
Ưu điểm của siêu âm là có thể dễ dàng phát hiện giãn đài bể thận, mức độ giãn, một số nguyên nhân tắc nghẽn như sỏi hay khối u chèn ép. Tuy nhiên, siêu âm không đánh giá được chức năng thận, không phân biệt được ứ nước do tắc nghẽn hay do chức năng lọc của thận suy giảm, dễ nhầm sỏi với nang thận. Một số trường hợp không tìm ra nguyên nhân tắc nghẽn.
Người bệnh cần thực hiện thêm chẩn đoán chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc tốt hơn có thể xét nghiệm nước tiểu, xạ hình thận để xác định chính xác nguyên nhân, mức độ thận ứ nước nhằm điều trị hiệu quả.
Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, thận ứ nước có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng thận, suy giảm chức năng thận.
Bác sĩ khuyến cáo người có dấu hiệu đột ngột đau quặn hông lưng hoặc âm ỉ, dai dẳng; tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều, lượng nước tiểu thấp... cần đến bệnh viện kiểm tra thận có ứ nước hay không.
Người từng mắc sỏi tiết niệu, nhất là sỏi thận, nên khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần nhằm phát hiện, điều trị sỏi sớm; tránh nguy cơ sỏi tắc nghẽn, gây ứ nước ở thận.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |