Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, chỉ số bạch cầu của bà Nguyễn Thị Duy Lộc tăng, khoảng CRP 87 mg/l (mức bình thường là 5 mg/l), men gan và bilirubin cao. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) bụng cho thấy giãn đường mật trong và ngoài gan, ống mật chủ giãn 17,5 mm (mức bình thường theo tuổi là 6-7 mm), đoạn cuối có nhiều sỏi, kích thước mỗi viên trung bình 12x15 mm. Túi mật căng to, phù nề, có sỏi nhỏ trong lòng túi, kèm thâm nhiễm mỡ xung quanh.
Ngày 2/10, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, chuyên khoa Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết bà Lộc bị viêm túi mật và viêm đường mật cấp do sỏi ở túi mật và đoạn cuối ống mật chủ. Người bệnh cần được phẫu thuật nội soi cắt túi mật và mở ống mật chủ để lấy sỏi, phòng ngừa các biến chứng hoại tử gây viêm phúc mạc mật. Tình trạng viêm đường mật do sỏi ống mật chủ để lâu dễ dẫn đến sốc nhiễm trùng đường mật. Phẫu thuật nội soi giúp người bệnh giảm đau, phục hồi nhanh, tránh nhiều biến chứng.
Bác sĩ Khánh đánh giá đây là ca phẫu thuật khó, nguy cơ tai biến cao, bởi bà Lộc từng ung thư dạ dày cách đây 20 năm, đã phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày và hóa trị khiến vùng bụng trên, nhất là vùng quanh ống mật chủ và túi mật dính nhiều.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận đại tràng ngang dính vào túi mật và mặt trước ống mật chủ; mạc nối lớn, túi mật, mặt dưới gan và phần còn lại của dạ dày, ruột non cũng dính vào vết mổ. Do đó, êkíp phải gỡ dính các bộ phận này trước khi tiếp cận túi mật và ống mật chủ, hạn chế tổn thương đường mật, thủng đại tràng, ruột non. Bác sĩ cắt túi mật, sau đó mở ống mật chủ đoạn trên tá tràng, lấy ra nhiều sỏi kích thước lớn, sỏi bùn (cặn bùn túi mật). Hậu phẫu, bệnh nhân phục hồi tốt, vết mổ khô, có thể đi lại và ăn uống, xuất viện sau ba ngày.
Bác sĩ Khánh cho biết ca mổ thành công nhờ nhiều yếu tố như kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ, trang thiết bị phẫu thuật hiện đại gồm hệ thống nội soi 4K cho ảnh rõ nét.
Sỏi túi mật và sỏi ống mật chủ là những bệnh khá phổ biến. Bệnh xảy ra do rối loạn chuyển hóa, nhiễm khuẩn, khiến các tế bào bị viêm loét bong vào dịch mật, gây kết tủa một số thành phần (như sắc tố mật và muối mật), dần hình thành sỏi trong ống mật. Sỏi khi mới hình thành chưa có triệu chứng rõ ràng, thường tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ.
Tùy kích thước, số lượng sỏi, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp như điều trị nội khoa, ngoại khoa.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo mọi người ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tầm soát và khám sức khỏe định kỳ để phát sớm bệnh (nếu có), điều trị kịp thời. Người bệnh từng mổ mở cắt dạ dày do ung thư, nếu phát hiện sỏi mật nên phẫu thuật điều trị sớm, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên chọn cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm để kết quả điều trị tối ưu.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |