Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Bảo Nghi, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sôi bụng thường có thể xảy ra khi đói hoặc bị kích thích sau ăn. Tuy nhiên, nếu sôi bụng đi kèm các triệu chứng khác như xì hơi, buồn nôn, táo bón... có thể là dấu hiệu của một bệnh lý hoặc một rối loạn nhất định nào đó. Các bệnh lý thường gặp gây sôi bụng bao gồm tắc ruột, viêm dạ dày ruột, quá mẫn với thức ăn, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, xuất huyết tiêu hóa... Dưới đây là một số nguyên nhân gây sôi bụng.
Tắc ruột: Là một trong những nguyên nhân nguy hiểm gây sôi bụng. Tình trạng này có thể xảy ra do khối u ruột hoặc sẹo của vết mổ cũ trong ổ bụng. Người bệnh tắc ruột còn cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, nôn ói có dịch màu rêu hoặc màu nâu đen, đau bụng, tiêu chảy, không xì hơi... Nếu không được phát hiện kịp thời, vị trí tắc ruột có thể vỡ ra, đe dọa tính mạng.

Đường ruột không thông thoáng do khối u hoặc sẹo (trái) và ruột khỏe mạnh (phải). Ảnh: Shutterstock
Viêm dạ dày ruột: Xảy ra khi các virus như rotavirus, norovirus và các mầm bệnh truyền nhiễm khác xâm nhập vào cơ thể. Lúc này, dạ dày và ruột bị viêm, phù nề đường tiêu hóa. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sôi bụng kèm theo nôn ói và tiêu chảy nghiêm trọng. Tùy từng virus cụ thể mà người bệnh có thể cảm thấy đau bụng, mệt mỏi, sốt, đau nhức toàn thân... Các triệu chứng có thể kéo dài từ 1-10 ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm dạ dày ruột có thể dẫn đến mất nước và làm trầm trọng thêm các triệu chứng vốn có.
Bệnh Celiac và các tình trạng dị ứng thực phẩm khác: Có thể gây sôi bụng, khó chịu dạ dày hoặc đường ruột do ăn những thực phẩm mà cơ thể không dung nạp được. Bác sĩ Bảo Nghi chia sẻ, khi cơ thể không tạo đủ enzym hoặc các chất hóa học cần thiết để tiêu hóa thực phẩm sẽ xảy ra tình trạng bất dung nạp thức ăn. Nếu hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với một số thực phẩm sẽ gây dị ứng thức ăn. Ngoài sôi bụng, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, thiếu máu, đau nhức xương khớp, co giật...
Bệnh Crohn: Là bệnh lý viêm đường ruột, có thể xảy ra ở mọi nơi trong ống tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Bệnh làm tăng nhu động ruột, dẫn đến các triệu chứng như sôi bụng, đau quặn bụng, đi tiêu ra máu, sốt...
Hội chứng ruột kích thích: Là một loại rối loạn hệ tiêu hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến đại tràng và dẫn đến nhiều triệu chứng như sôi bụng, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón...
Xuất huyết tiêu hóa: Là nguyên nhân hiếm gặp gây sôi bụng nhưng có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Dấu hiệu sớm để nhận biết tình trạng này là đại tiện phân có mùi hắc và màu đen. Trường hợp bệnh nặng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng nôn ra máu, đại tiện có máu tươi, chướng bụng...

Khi xảy ra tình trạng sôi bụng, uống một cốc nước ấm giúp tạm thời ổn định đường ruột. Ảnh: Shutterstock
Theo bác sĩ Bảo Nghi, thông thường, sôi bụng và tăng nhu động ruột không gây nguy hiểm nhưng nếu tình trạng này kéo dài, kèm theo các dấu hiệu khác thì người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám. Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Dinh dưỡng hợp lý cũng hỗ trợ kiểm soát chứng rối loạn này. Người bệnh nên ăn uống điều độ, nhai kỹ nuốt chậm để không kích thích tăng nhu động ruột trong quá trình vận chuyển thức ăn. Khi xuất hiện tình trạng sôi bụng, uống một cốc nước ấm có thể giúp ổn định đường ruột.
Phi Hồng