Ngày 2/10, BS.CKI Phạm Thế Anh, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bàng quang của người lớn tuổi có xu hướng teo nhỏ hơn so với người trẻ, khiến khoảng cách giữa hai miệng niệu quản nối với bàng quang cũng thu hẹp. Nhiễm trùng tiểu còn khiến niêm mạc hai niệu quản bị phù nề, đường kính niệu quản hẹp. Viên sỏi lớn càng làm tắc nghẽn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, lâu ngày dẫn đến suy thận cấp tính. Nếu không điều trị sớm, nhiễm trùng tiểu nghiêm trọng hơn, bà Khánh có nguy cơ tổn thương thận, còn suy thận cấp có thể chuyển sang suy thận mạn.
Bà được điều trị kháng sinh hai ngày để kiểm soát nhiễm trùng tiểu. Khi cấy nước tiểu cho kết quả âm tính, bác sĩ Thế Anh điều trị sỏi bàng quang bằng phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng ống mềm qua ngả niệu đạo. Dưới tác dụng của năng lượng laser, viên sỏi dần bị tán vụn và được hút ra ngoài. Sau 50 phút, bàng quang của người bệnh sạch sỏi.
Bà Khánh được bù nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng do cơ thể suy mòn vì khả năng hấp thụ kém và ăn uống kém thời gian dài. Sau ba ngày điều trị, chức năng thận của người bệnh phục hồi tốt, được xuất viện.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ năm 2023 ghi nhận sỏi bàng quang chiếm khoảng 5% tổng số ca sỏi tiết niệu ở những quốc gia phát triển. Loại sỏi này phổ biến ở nam giới gấp 4-10 lần nữ giới, người bệnh thường trên 60 tuổi.
Người nhà cho biết bà Khánh từng được tán sỏi thận 5 năm trước, nghĩ bệnh không tái phát, chỉ khám sức khỏe định kỳ hô hấp, tim mạch và thần kinh.
Theo bác sĩ Thế Anh, sỏi bàng quang thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng như tiểu ra máu, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít, tiểu khó, tuổi buốt, đau bụng dưới (vùng xương mu). Các triệu chứng này dễ nhầm với các bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Bà mắc thêm bệnh Alzheimer gây suy giảm trí nhớ nên việc khai thác triệu chứng gặp khó khăn. Nếu thiếu các chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)... rất dễ bỏ sót bệnh.
Khi bàng quang ứ đọng nước tiểu lâu ngày do tắc nghẽn, các khoáng chất trong nước tiểu lắng đọng và dần kết tinh thành sỏi. Nguyên nhân tắc nghẽn thường do bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc sa các cơ quan vùng chậu (bàng quang, sa âm đạo, tử cung, trực tràng) ở nữ giới.
Ngoài ra sỏi bàng quang có thể hình thành do sỏi thận di chuyển xuống, viêm bàng quang do nhiễm trùng tiểu hoặc xạ trị vùng chậu, mắc hội chứng bàng quang thần kinh, tổn thương tủy sống, có dị vật ở bàng quang...
Hầu hết trường hợp có thể điều trị bằng các phẫu thuật nội soi ít xâm lấn như nội soi tán sỏi bằng laser qua ngả niệu đạo hoặc qua xương mu. Sỏi bàng quang để lâu không điều trị dần tăng kích thước, có thể cản trở lưu thông dòng nước tiểu, phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường tiểu, tổn thương thận, suy giảm chức năng thận...
Bác sĩ Thế Anh khuyến cáo người có biểu hiện bất thường đường tiểu cần đến bệnh viện khám sớm. Khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện sỏi, có phương pháp theo dõi và điều trị phù hợp. Phòng ngừa sỏi bàng quang bằng cách uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày, không ăn quá nhiều thịt động vật, giảm ăn mặn, giảm thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế bia rượu.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận - tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |