Sỏi thận được tạo thành từ các khoáng chất và muối không thể hòa tan trong nước tiểu. Nguyên nhân có thể do cơ thể không có đủ nước, chế độ ăn không cân bằng hoặc gặp vấn đề trao đổi chất. Khi sỏi còn ở trong thận và không chặn dòng nước tiểu, người bệnh không có cảm giác. Sau đó, sỏi theo dòng nước tiểu rời khỏi thận và đi vào niệu quản - đường dẫn từ thận xuống bàng quang.
Niệu quản rất hẹp, chỉ khoảng 3 mm. Những viên sỏi nhỏ hơn kích thước niệu quản thường đi qua đây mà không gây ra triệu chứng nào, nhưng các viên sỏi lớn hơn có thể gây đau. Cơn đau thường biến mất sau khi đi tiểu, do sỏi đã đào thải khỏi cơ thể theo nước tiểu.
Các viên sỏi quá lớn không thể di chuyển qua niệu quản làm cản trở nước tiểu lưu thông, gây đau nhói và co thắt ở bên hông hoặc lưng, bên dưới lồng ngực. Đôi khi cơn đau lan đến bẹn và bộ phận sinh dục.
Cường độ đau thay đổi khi người bệnh thay đổi tư thế và khi sỏi tiếp tục di chuyển qua đường tiết niệu. Người bệnh gần như không thể nằm yên, phải liên tục trở mình để cố gắng ngăn cơn đau. Tình trạng này có thể giảm trong vài giờ trước khi tái diễn. Các triệu chứng khác của sỏi thận bao gồm buồn nôn, nôn mửa, có máu trong nước tiểu.
Cơn đau có xu hướng giảm dần khi sỏi đến bàng quang. Nếu sỏi nhỏ hoặc vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, người bệnh có thể không có cảm nhận gì khi sỏi đi từ bàng quang qua niệu đạo và ra ngoài cùng nước tiểu. Sỏi thường không gây tắc nghẽn niệu đạo vì bộ phận này rộng gấp đôi niệu quản, nhưng sỏi quá lớn vẫn có thể làm cơn đau tái phát.
Trung bình hệ tiết niệu phải mất 31 ngày để đào thải một viên sỏi nhỏ. Sỏi từ 4 mm trở lên có thể mất nhiều thời gian hơn hoặc phải dùng thủ thuật y tế để hỗ trợ đào thải. Sau khi sỏi ra khỏi cơ thể qua đường tiểu, cơn đau có xu hướng biến mất.
Một số trường hợp bị đau dai dẳng do nhiều nguyên nhân tiềm ẩn.
- Bị kích ứng hoặc viêm nhẹ khi sỏi đi qua hệ tiết niệu. Triệu chứng hết trong vòng vài ngày.
- Còn viên sỏi khác đang kẹt trong niệu quản. Lúc này nước tiểu bị tắc nghẽn và có khả năng trào ngược lên thận, gây tổn thương thận.
- Đau do táo bón. Bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau, một trong những tác dụng phụ của loại thuốc này là gây táo bón, cũng có thể dẫn đến cảm giác đau và đầy bụng.
- Đau do nguyên nhân khác. Cơn đau có vẻ giống với đau do sỏi thận nhưng hoàn toàn do một nguyên nhân khác. Đau ở bên hông, lưng hoặc dưới lồng ngực có thể do vấn đề về đường tiêu hóa, bụng hoặc bộ phận sinh dục.
Người bệnh nên đi khám nếu xuất hiện các triệu chứng như ớn lạnh, sốt, bí tiểu, lú lẫn, mệt mỏi nghiêm trọng, nôn mửa, nước tiểu có cục máu đông, có mùi hôi hoặc màu đục. Bác sĩ có thể siêu âm, xét nghiệm nước tiểu trong vòng 24 giờ, xét nghiệm máu để chẩn đoán sỏi hoặc các nguyên nhân tiềm ẩn khác.
Người bệnh nên uống nhiều chất lỏng, nhất là nước lọc, giúp nước tiểu lưu thông và giảm nguy cơ hình thành sỏi mới. Nếu nước tiểu màu vàng sẫm nghĩa là bạn chưa uống đủ nước. Trường hợp không bị đau quá dữ dội, hãy cố gắng vận động cơ thể để thúc đẩy đào thải sỏi ra ngoài.
Người từng bị sỏi thận có khoảng 50% khả năng hình thành một viên sỏi khác trong vòng 5 năm. Phòng ngừa bệnh bằng cách uống khoảng hai lít nước mỗi ngày, ăn ít muối, hạn chế protein động vật ở mức dưới 200 g mỗi ngày. Mọi người cũng nên giảm lượng đường tiêu thụ và tăng cường rau quả. Người dùng thực phẩm bổ sung vitamin C nên dưới 1.000 miligam mỗi ngày.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận - tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |