Suy thận cấp tính (tổn thương thận cấp tính) là tình trạng độ lọc cầu thận sụt giảm đột ngột trong vài giờ hoặc vài ngày, khiến độc tố và chất dư thừa không thể đào thải ra ngoài, tích tụ trong cơ thể.
BS.CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân phát sinh suy thận cấp tính được chia thành ba nhóm.
Giảm lưu lượng máu đến thận
Thận đảm nhận nhiệm vụ lọc máu và đào thải các chất độc, chất dư thừa ra khỏi cơ thể. Thận cần được cung cấp đủ lượng máu nuôi để làm việc bình thường. Bất kỳ nguyên nhân nào cản trở lưu lượng máu đến thận cũng có thể dẫn đến suy thận cấp.
Một số tác nhân khiến lượng máu nuôi đến thận giảm như nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, mất máu cấp, mất nước nghiêm trọng, tiêu chảy, suy gan, sốc nhiễm trùng, tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm hay lợi tiểu, sốc phản vệ, bỏng nặng...
Tổn thương tại thận
Các bệnh gây tổn thương tại thận có thể dẫn đến suy thận cấp như xuất hiện cục máu đông hoặc mảng xơ vữa ở động mạch thận ngăn máu tới cơ quan này, viêm cầu thận, hội chứng thiếu máu tan huyết (hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn được tạo ra gây thiếu máu), lupus (bệnh tự miễn gây suy nhiều cơ quan trong cơ thể), tăng huyết áp cấp tính. Ngộ độc rượu bia hay kim loại nặng, hội chứng ly giải khối u (sự phá vỡ các tế bào ung thư giải phóng độc tố vào máu), nhiễm trùng thận, tự ý dùng thuốc hay uống các loại nước lá cây chưa tham khảo ý kiến bác sĩ... cũng là nguyên nhân.
Tắc nghẽn đường tiểu
Nước tiểu thường được tạo ra tại thận, di chuyển theo niệu quản xuống bàng quang để thải ra ngoài qua niệu đạo. Nếu trên đường đi xuất hiện điểm tắc nghẽn, nước tiểu trào ngược về thận gây ứ nước, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm suy thận cấp.
Đường tiểu có thể bị tắc nghẽn do một số nguyên nhân như sỏi, khối u tại niệu quản, hẹp niệu quản hay niệu đạo, phì đại lành tính hay ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, viêm niệu quản hay niệu đạo, sa tạng vùng chậu... Khi bị suy thận cấp tính, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau như lượng nước tiểu giảm bất thường, phù chân, đau tức ngực, khó thở, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, buồn nôn, co giật, hôn mê...
Theo bác sĩ Cẩm Tú, khác với suy thận mạn, chức năng thận ở người bệnh suy thận cấp có khả năng phục hồi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ. Tuy nhiên, nếu không kịp thời điều trị, suy thận cấp tính có thể diễn tiến thành suy thận mạn tính, gây suy tim, khó thở, tăng huyết áp, yếu cơ, tổn thương thần kinh, tử vong.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Cẩm Tú khuyến cáo không tự ý dùng thuốc, thực phẩm chức năng và các loại nước lá cây chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Hạn chế rượu bia, nên ăn uống lành mạnh, giảm thịt động vật, giảm muối và đường, giảm sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường rau xanh và trái cây, thường xuyên tập thể dục thể thao vừa sức, khám sức khỏe định kỳ...
Người có tiền sử mắc bệnh tim, tiểu đường, suy gan, bệnh thận, cao huyết áp, lớn tuổi... có nguy cơ suy thận cấp tính cao hơn. Nhóm người này nên kiểm tra chức năng thận theo chỉ định của bác sĩ để kịp thời phát hiện và điều trị bất thường.
Thắng Vũ