Ngày 22/5, bế con trai trên tay, chị cho biết từng nghĩ "có con lúc nào chẳng được", song gần 8 năm sau mới đón tin vui.
Biến cố đến với chị vào năm 2021, khi mang thai ngoài tử cung. Lúc ấy, ca mổ lấy thai khó, bác sĩ phải cắt một vòi trứng, xén một góc tử cung để lại một phần như quả lê cắn dở. Bác sĩ khuyên hai vợ chồng hoãn có con ít nhất một năm để tử cung liền sẹo.
Hai năm sau, vợ chồng chị đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khám. BS.CKII Vũ Nhật Khang cho biết chị Thùy đã mất một bên vòi trứng nên cơ hội mang thai tự nhiên giảm khoảng 50%. Vết sẹo trên tử cung không gây vô sinh nhưng tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ.
Vợ chồng chị thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Tháng 9/2023, chị được chuyển một phôi ngày 5 vào buồng tử cung, đậu thai nhưng lo lắng một lần nữa thai ngoài tử cung. Lần này chị ốm nghén suy nhược, vài lần nhập viện để giữ thai, sau đó quyết định bỏ mọi công việc, chuyên tâm ở nhà dưỡng thai.
Chị được BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa theo dõi sát, đánh giá sẹo tử cung trên siêu âm, tốc độ tăng trưởng thai. Ca mổ thuận lợi, bé trai chào đời nặng 3,4 kg đầu tháng 5. Sau khi kiểm tra, đánh giá vết mổ cũ và khâu vết rạch lấy thai, bác sĩ cho biết chị còn cơ hội sinh thêm con.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh từng điều trị nhiều trường hợp biến chứng do thai bám sẹo mổ cũ, nhau thai bất thường, vỡ tử cung.
Để hạn chế tai biến sản khoa từ vết sẹo mổ tử cung, bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo thai phụ không sinh mổ nếu không có chỉ định y khoa. Người có vết sẹo trên tử cung cần khám sức khỏe sinh sản trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai có vết mổ trên tử cung cần cho bác sĩ biết rõ khi đi khám. Lần mang thai sau không nên quá gần khi mẹ chưa kịp hồi phục sức khỏe nhằm đảm bảo cho sự phát triển của bé, an toàn cho mẹ.
Tuệ Diễm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |