Chị Huỳnh Trần Như Ý (33 tuổi, ngụ Long An) vừa sinh bé gái 2,9 kg, khỏe mạnh.
Chị kết hôn năm 2016, hai năm sau mới có thai nhưng thai lưu. Ba năm qua, vợ chồng chị 4 lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) tại một bệnh viện, trong đó một lần có thai nhưng cuối cùng cũng mất.
Chị Ý nghỉ việc, tập trung tìm hiểu các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Khi đến khám tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tháng 10/2022, dự trữ buồng trứng của chị giảm nhiều so với hai năm trước, từ 2.89 giảm xuống còn 1.12, siêu âm đầu chu kỳ được 7-8 nang trứng.
Ngày 23/10, ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến cho biết bệnh nhân hai lần sẩy thai sớm (thai nhi ngừng phát triển trước 12 tuần tuổi) ngay cả khi có hỗ trợ sinh sản. Nguyên nhân phổ biến là bất thường nhiễm sắc thể, nhưng nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Nghiên cứu cho thấy ở phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 30, nguy cơ sẩy thai dưới 20 tuần là 8,9%. Tỷ lệ này tăng lên 74,7% đối với phụ nữ trên 40 tuổi. Người từng có một lần sẩy thai thì nguy cơ sẩy lần hai khoảng 20%, lần ba là 28%.
Theo bác sĩ Yến, chị Ý tiệm cận 35 tuổi, ngưỡng tuổi khả năng sinh sản bắt đầu suy giảm nhanh, dự trữ buồng trứng thấp, nếu trì hoãn làm thụ tinh trong ống nghiệm, chị có thể không còn trứng, cơ hội có con càng mong manh.
Người bệnh được sử dụng thuốc kích thích buồng trứng theo phác đồ cá thể hóa trong 9-12 ngày. Một số loại thuốc khác ngăn phóng noãn sớm. Sự phát triển của các nang noãn được theo dõi bằng siêu âm và xét nghiệm máu định lượng nội tiết. Khi có nang noãn phát triển, bác sĩ tiêm mũi kích thích trưởng thành noãn. Nhờ đó, chọc hút được 12 trứng trưởng thành, số lượng vượt ngoài mong đợi.
Trong hệ thống lab chuẩn ISO 5 sạch như tử cung người mẹ, chuyên gia phôi học thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Phôi được nuôi bằng hệ thống tủ Time-lapse, với nhiệt độ, môi trường, độ pH, độ ẩm, ánh sáng, nồng độ và chất lượng không khí tối ưu giống với tự nhiên, giúp cải thiện chất lượng, nâng cao khả năng sống của phôi.
Chị Ý tạo được 5 phôi ngày 5, trong đó hai phôi được chọn sàng lọc di truyền đều phát hiện bất thường nhiễm sắc thể. Ba phôi còn lại được phần mềm phân tích áp dụng trí tuệ nhân tạo xếp hạng. Chị được nội soi buồng tử cung ghi nhận có vùng tăng sinh mạch máu chưa loại trừ lạc nội mạc trong cơ tử cung tinh vi. Bác sĩ Yến xây dựng phác đồ điều trị phù hợp và chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện.
Phôi tốt nhất được chuyển vào tử cung, chị Ý đậu thai ngay lần chuyển đầu tiên. Ngày 13/10, bé gái 2,9 kg chào đời khỏe mạnh.
Từ ngày đầu "tìm con" tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chị Như Ý ghi lại mọi khoảnh khắc trên kênh Tiktok cá nhân và nhận được nhiều bình luận từ những chị em cùng cảnh ngộ.
"Vợ chồng tôi được hai bên gia đình và cả những người xa lạ chúc mừng. Tôi mong lan tỏa những điều tích cực đến với những vợ chồng không may hiếm muộn", chị nói.
Bác sĩ Bảo Yến khuyến cáo dự trữ buồng trứng ở phụ nữ ngày càng giảm dần theo thời gian, nên càng lớn tuổi điều trị càng khó. Do đó, vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn (2-3 lần mỗi tuần), không tránh thai, nhưng sau một năm không có thai nên đi khám toàn diện về sức khỏe sinh sản.
Tại IVF Tâm Anh, phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp giúp tăng chất lượng trứng, tiềm năng chọc hút được tối đa trứng trưởng thành. Công nghệ nuôi phôi kết hợp trí tuệ nhân tạo giúp tạo ra những phôi tốt, tăng khả năng đậu thai. Nhiều trường hợp cạn kiệt buồng trứng đã có con mà không cần xin trứng.
Bác sĩ lưu ý trường hợp sẩy thai nhiều lần cũng nên khám và điều trị sớm. Các kỹ thuật sinh thiết phôi giúp lựa chọn được phôi tốt nhất, không mang dòng tế bào bất thường chuyển vào lòng tử cung của người vợ, hạn chế nguy cơ thai lưu, thai dị tật, sẩy thai.
Hoài Thương