Những ngày gần Tết, câu chuyện xử phạt nồng độ cồn lại nóng lên trên khắp các diễn đàn. Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc tài xế có nồng độ cồn chống đối lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm. Chẳng hạn như vụ việc tài xế xe bán tải ở Bắc Giang liên tục húc vào ôtô chuyên dụng, cố thủ không chịu đo nồng độ cồn, khiến CSGT phải phá kính; hay nhiều tài xế ở TP HCM bỏ xe khi bị xử lý vi phạm nồng độ cồn...
Theo thống kê, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn năm 2023 là 770.000, cao gấp rưỡi năm 2022 và hơn tổng số ba năm 2020-2022 cộng lại. Người đi xe máy vi phạm chiếm phần lớn. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông và tính mạng của người dân.
Cũng trong những cuộc tranh luận này, một số ý kiến phản đối quy định độ cồn bằng 0, cho rằng việc xử phạt này quá cứng nhắc, đòi hỏi phải có "vùng xanh" khi thổi nồng độ cồn. Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm đó. Vì nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay mà còn chưa đảm bảo an toàn, vẫn còn rất nhiều người vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, thì khi nới lỏng quy định, cho phép nồng độ cồn ở mức nhất định, tình hình sẽ còn phức tạp thế nào?
Không uống rượu bia, rượu mà ý thức người lái xe ở Việt Nam còn cực kỳ tệ hại, vi phạm giao thông mọi lúc, mọi nơi, nếu nay có thêm vài lon bia, chén rượu vào nữa chắc họ quét sạch mọi người xung quanh.
Ở nước ngoài, dù người ta chủ yếu đi ôtô, dù vẫn sử dụng thức uống có cồn như ý thức chấp hành luật của họ tốt, ai vi phạm cũng sẽ bị xử lý rất nặng. Còn ở Việt Nam, phần đông người dân đi xe máy vì thu nhập còn thấp. Quá tải xe máy nên giao thông phức tạp hơn nhiều.
>> Tôi phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về quy định độ cồn bằng 0
Người Việt cũng có thói quen uống rượu, bia bất kể giờ giấc, nơi chốn. Rượu, bia ở ta chỗ nào cũng bán sẵn, chỉ cần tấp vào lề đường là nhậu được ngay. Chính vì ai cũng có thể mua và uống rượu, bia dễ dàng như vậy nên nếu không thể quy định chặt và xử lý mạnh tay thì hậu quả của rượu, bia sẽ rất khó lường.
Tôi lái ôtô đã được 12 năm. Kinh nghiệm thực tế cho tôi thấy trong nội đô xe cộ chẳng bao giờ đi cách nhau một khoảng trống nào hơn một mét cả. Có những tài xế háo thắng, lúc nào cũng chỉ lăm le chạy lấn làn, giành đường của người khác. Trong bối cảnh như thế, cộng thêm lượng xe máy dày đặc, nếu tài xế nào có uống rượu, bia trước khi lái xe và không làm chủ hoàn toàn tay lái sẽ gây những hậu quả rất thảm khốc.
Kể cả những tài xế uống nhiều rượu, bia từ đêm hôm trước, tôi tin rằng, qua hôm sau họ vẫn khó mà tỉnh táo hoàn toàn để lái xe an toàn được. Tôi không uống một giọt bia, rượu nào, cũng không sử dụng thức uống lên men nhiều mỗi khi lái xe. Tôi chỉ mong luật sẽ thật nghiêm, đừng vì sợ thiệt hại kinh tế này kia như một số người vẫn lý luận, mà chùn bước, nới lỏng quy định cấm.
Tóm lại, tôi vẫn mong pháp luật giữ nguyên quy định độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông. Thà đi xe ôm, đi taxi về sau chầu nhậu còn hơn thỏa hiệp cho một mức độ cồn nhất định vẫn được lái xe. Hãy vì một xã hội an toàn hơn là một xã hội mà ai cũng đòi hỏi thế này, thế kia. Chúng ta không thể cứ mãi bàn lùi mà đòi hỏi phải nhẹ tay với 1-2 ly bia, chén rượu.
Hai Vy Nguyen
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.