"Tôi đã xin được nghỉ không lương từ đầu tháng sáu. Bản thân ban đầu cứ nghĩ rằng chỉ một tháng là sẽ hết dich. Thế nên, ở nhà, tôi cũng tằn tiện chi tiêu và chờ đợi. Ấy thế nhưng đến đầu tháng bảy, sếp trực tiếp gọi điện cho tôi hỏi đi làm được không? Họ nói nếu không đi làm được thì công ty buộc phải mướn người khác. Sợ mất việc nên tôi đành phải xách túi đi làm bất chấp nguy hiểm. Thế nên nếu muốn mọi người ở nhà, đừng đi làm trong 15 ngày thì tôi cho rằng cần đảm bảo công việc cho họ sau khi giãn cách".
Đó là chia sẻ của độc giả Tranconglam19121992, lý giải việc nhiều người dân Sài Gòn vẫn đổ ra đường gây nên tình trạng ùn ứ tại một số điểm bất chấp Chỉ thị 16. Sau khi TP HCM lập hàng loạt chốt kiểm soát từ ngày 9/7, nhiều khu vực rơi vào cảnh ùn tắc kéo tài khi lượng xe đổ về quá lớn. Mọi người đều cầm sẵn giấy xác nhận của công ty làm việc ngay trên tay.
Nói về thực trạng nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn cấp giấy chứng nhận và yêu cầu nhân viên làm việc trong thời gian giãn cách, bạn đọc Dung Huynh khẳng định: "Không thể trách người lao động vì công ty, cơ quan, xí nghiệp có cho họ nghỉ làm đâu? Chẳng có người lao động nào dám làm đơn xin nghỉ việc 15-20 ngày với lý do cá nhân là 'sợ dính Covid' hay 'nghỉ việc tạm thời để giảm lây lan' cả.
Theo tôi, điều dễ làm nhất là thành phố nên thống kê và kiểm tra các công ty, cơ quan, xí nghiệp, nếu không phải sản xuất các mặt hàng thiết yếu thì buộc họ phải đóng cửa nghỉ hai tuần. Có như thế thì công nhân, nhân viên mặc nhiên được ở nhà, không ai phải chạy ra đường làm gì. Còn cơ quan không cho nghỉ, không cho làm việc ở nhà, chúng tôi muốn ở nhà thì chỉ có nước nộp đơn thôi việc".
Đồng quan điểm, độc giả Devlin Bùi cho rằng: "Đúng là mỗi người mỗi cảnh, nhiều người trong số đó thật sự cần đi lại. Thực tế, nhiều công ty không muốn gián đoạn kinh doanh, sản xuất nên họ bắt nhân viên phải đến văn phòng. Việc trao cho công ty quyền cấp 'giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc' cho phép các chủ doanh nghiệp cấp vô tội vạ vì chẳng ai muốn trả tiền cho nhân viên ở nhà. Ngược lại, không có tổ chức thứ ba nào có đủ nhân lực để rà soát và cấp giấy xác nhận đúng người được. Dòng người ngùn ngụt kia và những anh công an ướt đẫm mồ hôi là một hệ quả, và hậu quả thì chưa biết được sẽ ra sao?".
Với tư cách là một chủ doanh nghiệp, bạn đọc Thành Lâm lại bức xúc khi nhiều công ty vẫn cố tình lách luật bắt nhân viên đi làm: "Tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ, ngoài việc không có thu nhập thì tôi còn đang phải bù lỗ tiền mặt mặt, trả lương nhân viên và rất nhiều khoản chi phí khác. Tôi cũng có gia đình, con nhỏ và những hóa đơn cần thanh toán mỗi tháng nhưng vẫn cố gắng chấp hành Chỉ thị 16 vì lợi ích của cộng đồng và bản thân. Vậy nhưng, một số cá nhân, công ty khác vẫn đi làm bất chấp và giải thích là vì cơm, áo, gạo, tiền. Vậy những cố gắng và thiệt hại tôi phải gánh chịu mấy tháng qua là công cốc sao? Vì những người có tư duy như vậy mà dịch không kiểm soát triệt để được".
Khẳng định tác dụng ngược của "giấy thông hành", độc giả Jjtonyshell nhấn mạnh: "Không thể cứ làm giấy thông hành đi làm việc với con mộc của công ty là được ra đường. Vậy có khác gì lúc trước công ty không cần đóng mộc cho nhân viên, thì bây giờ làm tờ giấy đóng thêm con mộc đỏ vô tri vô giác rồi tiếp tục làm việc và kéo nhau ra đường? Rồi doanh nghiệp vẫn tiếp tuc hoạt động?
Tôi nghĩ không thể chấp nhận hình thức này. Vì đa số các doanh nghiệp thiếu ý thức, vận dụng linh hoạt để đủ thủ tục. Cần làm cách khác để đảm bảo Chỉ thị 16 được thực thi đúng với ý nghĩa của nó".
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn đọc Zet Nguyen bày tỏ: "Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về các doanh nghiệp là rất lớn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình buộc nhân viên đến cơ quan trong khi hoàn toàn có thể làm việc tại nhà. Không hiểu sao họ vẫn mang tư tưởng phải gặp nhau mỗi ngày thì mới làm việc được. Nhân viên sale có thể gọi điện cho khách hàng để nhận đơn nhưng vẫn buộc phải ra thị trường để chụp ảnh 'nhà khách hàng đóng cửa'; nhân viên văn phòng như thiết kế cũng vẫn phải đến văn phòng để chia sẻ thông tin ngày dịch... Các chủ doanh nghiệp xin hãy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định yêu cầu nhân viên của mình đến văn phòng. Một mình doanh nghiệp bạn không sao, nhưng nếu doanh nghiệp nào cũng nghĩ như vậy thì kết quả sẽ thế nào? Cả nhà tôi đang là nạn nhân của tình trạng này".
"Thực tế, các chốt hay tuần tra lưu động cũng không thể giảm được các trường hợp ra ngoài không thiết yếu. Thành phố nên siết chặt hơn tới các doanh nghiệp vì rất nhiều công ty nằm trong các ngành không thiết yếu vẫn hoạt động và bắt nhân viên có mặt tại chỗ làm cho dù họ có thể làm việc tại nhà. Bây giờ, tốt nhất là các trường hợp ra ngoài chỉ có hai lý do: đi mua đồ thiết yếu hoặc đi khám chữa bệnh. Các trường hợp còn lại thì không có phép ra ngoài. Các công ty muốn hoat động trong mùa dịch phải đăng ký lên trên thành phố để tạo một danh sách, dựa trên đó lực lượng chức năng dễ kiểm tra hơn", độc giả Customer.tbs bổ sung.
TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, kéo dài 15 ngày. Tính đến chiều 13/7, TP HCM đã xác định hơn 16.000 ca nhiễm Covid-19. Theo quy định, người dân khi qua các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố phải khai báo y tế, trình các giấy tờ như thẻ công tác các ngành quân đội, công an, y tế, doanh nghiệp, phiếu xét nghiệm âm tính. Nhưng thực tế, số lượng người ra đường vẫn rất đông.
Đề cập đến giải pháp giải quyết tình trạng trên, bạn đọc Quang Minh cho rằng: "Tôi thấy các cán bộ phường nên cử người xuống từng công ty đang hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu tại phường mình quản lý để khảo sát xem công ty nào có thể hoạt động mà vẫn đảm bảo tốt 5K không, số nhân viên đang làm các việc thiết yếu là bao nhiêu và là những ai? Nếu có đủ điều kiện hoạt động thì cấp giấy xác nhận. Công ty nào không đảm bảo 5K thì dù có hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu vẫn phải cấm và lãnh đạo công ty cũng không thể lách luật để kêu gọi nhân viên đi làm tất cả.
Những ai đi đường để đi làm mùa dịch thì phải có giấy xác nhận đó thay vì trình các 'giấy thông hành' tự chế như hiện nay. Nên làm từ bây giờ để các đợt dịch sau cũng dễ dàng xác định những ai được đi làm, ai không được dựa vào danh sách đã lọc ra, chỉ cần cập nhật lại nếu cần. Chứ như hiện tại, ai cũng có 'giấy thông hành' tự chế thế này thì Chỉ thị 16 cũng vô tác dụng".
Trong khi đó, độc giả Vietnamdogo nhận định: "TP HCM mấy ngày nay khó khống chế dịch bệnh là do người dân đi lại quá đông. Nguyên nhân là bởi danh mục ngành hoạt động và dịch vụ thiết yếu quá chung chung. Vì vậy, thành phố cần:
1. Lập danh mục các doanh nghiệp được hoạt động ở khu vực nội thành.
2. Quy định chỉ khoảng 10% số lao động được làm việc tại văn phòng và 90% phải làm việc tại nhà. Số 10% này phải đăng ký với quận và phải có phương án cách ly cụ thể.
3. Tất cả người dân khác không được ra đường ngoại trừ đi mua lương thực thực phẩm, khám chữa bệnh.
4. Không nên quy định ba ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính, điều này gây lãng phí và quá tải bệnh viện.
5. Các quận cần thực hiện xét nghiệm diện rộng chủ động, mỗi ngày một phường, luân phiên ba lần để trong vòng hai tuần là nhận diện và cách ly hết F0.
Phải thực hiện nghiêm và cụ thể việc hạn chế đi lại của cái gọi là 'dịch vụ thiết yếu' chứ không thì dịch sẽ lây lan rất mạnh. Rất mong chính quyền thành phố xem xét".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.