Sài Gòn đang dần quá tải về nơi điều trị và cách ly khi các nhiễm Covid-19 tăng quá nhanh. Nhân viên y tế thiếu hụt, họ kiệt sức vì truy vết, điều trị cho bệnh nhân, phải mặc đồ phòng hộ cả ngày khiến mất sức, mệt mỏi. Trong khi đó, số F0 liên tục tăng. Rõ ràng, ngành y tế đang phải rất căng sức.
Tình hình cam go là vậy, nhưng nhìn sang ý thức của nhiều người, tôi thấy buồn vì còn quá kém. Minh chứng rõ nhất là qua số tiền thu được từ việc phạt người dân ra đường không lý do chính đáng, rồi đến vụ công nhân Bình Dương phá cửa chạy tán loạn khỏi nhà máy khi nghe tin có ca nhiễm. Có ý kiến bảo vệ hành động của các công nhân khi cho rằng họ quá hoang mang và lo lắng cho bản thân, lo gia đình họ không ai chăm sóc. Nhưng cá nhân tôi cho rằng đó hoàn toàn là những lời bao biện.
Nghe tới Covid-19, ai không lo lắng, nhưng chỉ vì tin có một ca dương tính mà đã chạy tán loạn như vậy, thay vì chờ cơ quan y tế đến tư vấn, truy vết, xét nghiệm là không thể chấp nhận được. Họ cố về nhà, trong khi y tế sẽ chỉ cách ly các ca tiếp xúc gần F0 và chắc gì là tất cả công nhân trong đó đều tiếp xúc?
Theo tôi, cái đáng sợ không phải là F0 có triệu chứng, bởi vì họ tự cảm thấy mình không khỏe, sẽ tự khai báo với CDC hoặc tự đi khám tại viện rồi được phát hiện và cách ly. Trong trường hợp các công nhân khu Linh Trung nói riêng và những trường hợp cộng đồng khác nói chung, họ luôn "vỗ ngực" rằng "tôi không bệnh, tôi hoàn toàn khỏe mạnh". Cho đến khi được xét nghiệm, xác định dương tính Covid-19 thì họ đã đi "du lịch" khắp Sài Gòn, thậm chí đi khắp Việt Nam, rồi làm xuất hiện thêm bao nhiêu F0 nữa? Chỉ chờ đến khi có người phát triệu chứng thì mới bắt đầu truy vết, có khi còn không truy ra được người ban đầu là ai và cứ thế họ đi thoải mái, đi lung tung.
Những người kia không nghĩ rằng lỡ họ mang bệnh về nhà, gặp người già nhiều bệnh, hậu quả sẽ thế nào khi làm người thân phát bệnh? Vậy lúc đó là đang lo không ai chăm người nhà hay đang kéo người thân bị liên lụy?
Bạn nghĩ gì khi vô tình lây bệnh cho trẻ nhỏ, khiến chúng phải đi cách ly hoặc nặng hơn là cần can thiệp y tế? Bạn có thấy tội cho con của mình không? Vậy giữa chạy tán loạn để mong về nhà sớm và chờ cơ quan y tế đến để truy vết, xét nghiệm thì cái nào tốt hơn? Theo tôi, đây không phải là hoang mang mà là không có ý thức, trách nhiệm về phòng dịch.
Chính vì các ca F0 cộng đồng không triệu chứng nên mới có việc xét nghiệm diện rộng, vậy mà vẫn có những người lên giọng "tôi khỏe" và không hợp tác, thậm chí chửi rủa nhân viên khi bị lấy mẫu xét nghiệm. Ý thức như vậy thì sao mà dập dịch sớm được?
Góp thêm chút ý kiến về vấn đề kinh tế, tôi cho rằng, sợ đói, sợ thiếu tiền là chuyện bình thường, ai mà không sợ? Có ai dám nói mình không lo không? Nhưng liệu những người luôn miệng kêu than ấy có nghĩ đến việc nếu Covid-19 lan tràn, hàng hóa, nông sản làm ra không nước nào dám nhập hay sẽ bị cấm cửa, không được đem đi đâu hết, lúc đó tiền đâu để sống? Lấy gì để ăn? Ai sẽ đến Việt Nam du lịch?
Mọi việc trên đời không có gì là hoàn hào tuyệt đối 100%. Chúng ta luôn phải cân nhắc nặng - nhẹ, thiệt - hơn để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Chọn bên nào là tùy ở mỗi người. Nhưng là một công dân Việt Nam, tôi cho rằng việc cấp thiết, cần làm nhất bây giờ là hợp tác với cơ quan y tế và chính phủ, hãy ở yên trong nhà và chờ đợi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.