"Tôi thấy rất nhiều người nói rằng thiệt hại kinh tế vì giãn cách xã hội là quá lớn, có người lại lý luận rằng 'có phải cứ giãn cách hết 15 ngày xong là hết dịch được đâu'. Thực ra, những điều các bạn nói đều có ý đúng. Nhưng liệu các bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi rằng 'nếu chúng ta không giãn cách xã hội thì chuyện gì sẽ xảy không?'.
Với tốc độ lây lan Covid-19 như hiện tại ở Sài Gòn (hơn 1.000 ca nhiễm một ngày) thì số ca bệnh sẽ tăng chóng mặt, chi phí điều trị, chi phí kiểm soát dịch lúc đó sẽ cực lớn, mà có thể sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát như những gì đã xảy ra với Ấn Độ, hay cả Mỹ. Lúc đó, người dân vẫn phải tổn thất kinh tế và thậm chí nhiều gia đình còn mất cả người thân. Giãn cách xã hội có thể không làm hết dịch bệnh nhưng là giải pháp cần thiết để giảm tối đa tổn thất về người và của, nhất là với Sài Gòn hiện giờ".
Đó là quan điểm của độc giả Thành trước nhiều ý kiến than vãn sau khi TP HCM quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cùng nhiều biện pháp mạnh khác như lệnh cấm bán đồ ăn uống mang về. Việc thành phố liên tục kéo dài và tăng cường các biện pháp giãn cách, dừng các hoạt động kinh doanh khiến người rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế. Đó cũng là lúc một bộ phận người dân, đặc biệt là những người kinh doanh bị ảnh hưởng về kinh tế có những ý kiến phàn nàn, thậm chí là phản đối.
Khẳng định việc nâng cao giãn cách xã hội là biện pháp đúng đắn, bạn đọc Đăng Quân lấy dẫn chứng từ bài học chống dịch của Trung Quốc và Mỹ: "Hãy so sánh với nước Mỹ, nơi có nền kinh tế mạnh nhất thế giới với dân số hơn 300 triệu người, hay Trung Quốc với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, dân số hơn 1.444 triệu người:
Nước Mỹ từng chủ quan với dịch bệnh, không thực hiện giãn cách xã hội sớm nên đến nay đã có 606.000 người chết. Trong khi đó, Trung Quốc là nơi phát dịch đã thực hiện các biện pháp giãn cách cứng rắn, thì đến nay số người chết chưa đến 5.000 người. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2.3% nhưng đến năm 2021 dự tính tăng 8.5% (tức là mức tăng gần 11%).
Dựa vào những so sánh này để thấy, giãn cách là một trong những biện pháp tốt nhất để giảm lây lan dịch nhằm giảm số ca tử vong, và giúp kinh tế phục hồi nhanh nhất".
Đồng quan điểm, độc giả Trần Hồng Khuyến nhắc lại về thất bại của Ấn Độ, Indonesia: "Tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, số ca nhiễm tăng lên rất nhanh chóng. Nếu chúng không phong tỏa để dập dịch, thì sớm muộn cũng mất kiểm soát và lúc đó hậu quả còn tồi tệ hơn nhiều. Những ai muốn sống chung với dịch khi chưa được tiêm vaccine đầy đủ thì hãy nhìn sang Indonesia hay Ấn Độ để biết được hậu quả nếu chúng ta không khống chế được dịch bệnh. Khi đó, bệnh viện sẽ quá tải, người bệnh được yêu cầu ở nhà và tự tìm oxy để thở. Đến bây giờ mà một số người chưa nhìn nhận được chúng ta phải phong tỏa dập dịch để kéo dài thời gian được tiếp cận và tìm vaccine, thật đáng buồn".
>> Ở nhà ăn mỳ gói giúp TP HCM dập dịch
Theo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 ở TP HCM, các cửa hàng, dịch vụ bán đồ ăn uống mang đi, đại lý và bán vé số dạo đều phải dừng để đảm bảo phòng Covid-19 trong 15 ngày, từ 0h ngày 9/7. Trước đây, khi thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 10, thành phố chỉ cấm các cửa hàng ăn uống phục vụ khách tại chỗ nhưng cho phép bán mang về. Với yêu cầu mới, tất cả cửa hàng đồ ăn phải dừng luôn dịch vụ bán giao hàng (giao tận nơi thông qua shipper). Ngoài ra, thành phố tiếp tục tạm dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch tạm thời đóng cửa để khắc phục.
Chỉ ra những lợi ích của việc thực hiện nghiêm lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, bạn đọc Vanhungktdt224 nhận định: "Tất nhiên là việc giãn cách xã hội sẽ không thể đưa số ca nhiễm về '0' sau 15 ngày. Nhưng ít nhất, quãng thời gian đó sẽ giúp giảm tải số ca nhiễm mới, giúp giảm gánh nặng truy vết, cũng như khoanh vùng dễ dàng hơn, dần dần tiến tới việc nới lỏng giãn cách xã hội. Trong 15 ngày bạn ở nhà, nếu có không may nhiễm bệnh thì xác suất và số lượng người nghi nhiễm vì tiếp xúc với bạn sẽ ít hơn so với khi được đi ra ngoài thoải mái. Dịch chưa có thuốc chữa và vaccine hiệu quả tuyệt đối nên đừng đòi hỏi biện pháp dập dịch triệt để".
"Người dân TP HCM cần chia sẻ với chính quyền thành phố. Cả nước cũng đang hướng về miền Nam. Vậy thì, chúng ta hãy chấp nhận những khó khăn, phiền toái trong giãn cách xã hội. Buồn hôm nay để vui ngày mai. Nếu thành phố không làm quyết liệt thì rồi không biết điều gì sẽ xảy ra? Hãy nhìn vào thực tế là các diễn biến dịch trước đây ở Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và diễn biến dịch ở TP HCM và các tỉnh lân cận để thấy có sự khác nhau rất nhiều về mức độ. Với tinh thần còn sống là đầy hy vọng, nếu chết đi vì dịch bệnh đến người thân cũng không dám đến gần để lựa chọn và có hành vi đúng đắn. Người dân TP HCM hãy bình tĩnh, tự tin và sáng suốt lựa chọn hành vi của mình sao cho khỏi ân hận sau này", độc giả Phạm Hồng Phấn nói thêm.
Nhấn mạnh tư tưởng sai lầm của nhiều người rằng "sợ đói hơn sợ dịch", bạn đọc Nắng kết lại: "Dịch bệnh sẽ khiến người bị ảnh hưởng ít và có người bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng chẳng lẽ chúng ta không để dư được đồng nào làm vốn dự phòng trước dịch hay sao? Không giãn cách thì sao mà khoanh vùng dập dịch được? Dịch xảy ra thì đến các nước phát triển cũng còn thiếu nhân lực và thiếu trang thiết bị y tế chứ nói gì đến nước ta. Đảm bảo an toàn tính mạng bản thân cũng như đảm bảo an ninh trật tự xã hội là điều mọi người cùng chung tay lúc này. Đừng dùng từ 'chết đói trước chết dịch bệnh', tôi tin tình người ở nước ta trong lúc hoạn nạn vẫn còn cao lắm".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.